Có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và một phần trong đó đến từ sự lạc quan thái quá của các nhà đầu tư mới
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 9-4, VN-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp, với mức giảm 3,02 điểm và chốt tuần ở mức 1.1231,88 điểm. Tuy vậy, trước đó, thị trường đã có 8 phiên tăng điểm liên tục sau khi VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.200 điểm bất chấp sự cố nghẽn lệnh trên sàn TP HCM (HoSE).
Tài khoản mở mới cao kỷ lục
Giá trị giao dịch trên thị trường vẫn ở mức cao, bình quân trên 15.000 đồng/phiên. Theo nhiều chuyên gia, với sự hưng phấn của thị trường sau khi VN-Index vượt 1.200 điểm, nếu không có sự cố nghẽn lệnh thì thanh khoản thị trường sẽ còn cao hơn nữa. Cơ sở của sự lạc quan này nằm ở số lượng tài khoản mới mở tăng cao kỷ lục.
Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong 3 tháng đầu năm có gần 258.000 tài khoản chứng khoán được mở mới. Riêng tháng 3 có hơn 113.000 tài khoản mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước, gấp đôi tháng trước. Đây cũng là con số kỷ lục tính theo từng tháng trong lịch sử hơn 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết tháng 3, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đạt 3,03 triệu. Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỉ lệ áp đảo trong số này với 2,98 triệu tài khoản.
Các chuyên gia nhận định việc mở mới tài khoản chứng khoán cho thấy ngày càng có nhiều người dân quan tâm tới thị trường này. Nhiều nhà đầu tư mới tiếp tục mong muốn thị trường chứng khoán là nơi giúp họ kiếm tiền. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các công ty chứng khoán vẫn lạc quan cho rằng cơ hội tăng điểm còn nhiều.
Một thông tin tích cực nữa là các nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng sau thời gian bán liên tục. Ông Dustin Do, Chủ tịch Quỹ Định Phương Investment, cho biết không thấy lo lắng về động thái bán ròng liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi hiện nay, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có đủ sức “cân” hết được lượng bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài. Sắp tới, khả năng quay lại của khối ngoại rất lớn vì Việt Nam vừa được nâng hàng tín nhiệm quốc gia lên 2 bậc. Chưa kể, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt và kinh tế vẫn tăng trưởng nên triển vọng sắp tới càng cao hơn. Giai đoạn năm 2008, VN-Index ở đỉnh thì P/E (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) chung của thị trường đến 50 lần, năm 2018 là 25 lần, còn hiện tại chỉ mới 19 lần.
Thống kê của Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy khối ngoại đã bán ròng liên tục 11.447 tỉ đồng trong tháng 3 và lũy kế 14.554 tỉ trong quý I/2021. Tuy vậy, mức bán ròng đã giảm đáng kể từ cuối tháng 3. Cụ thể, Quỹ VFM VN30 ETF đã ngừng rút tiền và quay lại nộp tiền liên tục kể từ ngày 25-3; quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF cũng hướng dòng vốn trở lại thị trường Việt Nam trong 3 ngày cuối tháng; Fubon FTSE Vietnam – quỹ ETF mới của Đài Loan (Trung Quốc) cũng giải ngân mạnh từ cuối tháng 3, tập trung vào 30 cổ phiếu thuộc rổ VN30, trong đó đứng đầu danh mục là VIC (11,1%), HPG (10%), VNM (9,7%), VHM (9,7%), MSN (8,9%), VRE (7%). Với những dữ liệu đó, Công ty SSI cho rằng các quỹ sẽ bắt đầu giải ngân mạnh từ tháng 4. “Với môi trường kinh doanh ổn định, kiểm soát cung tiền chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp, thị trường Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn trong dài hạn” – đại diện Công ty SSI nhận định.