Categories Bất động sản

Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị gỡ vướng phát triển nhà ở xã hội

Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, một số quy định tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP là không phù hợp với Luật Đất đai.

Liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, chiều 9/4, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM xử lý tiếp một số vướng mắc của Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, vừa được ban hành không phù hợp với Luật Đất đai dẫn tới tình trạng không công bằng giữa các dự án nhà ở thương mại.

HoREA cho biết, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa được ban hành, đã có hiệu lực có nhiều nội dung mới. Trong đó có quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại từ 2 ha trở lên đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 (từ 5 ha trở lên đối với đô thị loại 2, loại 3) phải dành 20% quỹ đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Theo HoREA, các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, không có ngoại lệ

Tuy nhiên, theo HoREA, quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP “chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20%” để làm nhà ở xã hội đối với các trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha, tại các đô thị loại II và loại III” là không phù hợp với Khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở 2014 (mặc dù vẫn có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai).

Theo Luật Nhà ở 2014, đối với tất cả các loại đô thị, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ. Đối với các loại đô thị còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đối chiếu quy định này, một dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích 1,9 ha (dưới định mức 2 ha) tại khu vực trung tâm TPHCM, có tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, có khả năng đạt tỷ suất lợi nhuận cao, nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ dành 20% đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội.

Nhưng một dự án khác có quy mô 2,1 ha (trên định mức từ 2 ha trở lên) tại huyện ngoại thành, có tổng mức đầu tư chỉ khoảng vài trăm tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận thấp hơn rất nhiều, nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ dành 20% đất ở của dự án để phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, việc Nghị định được sửa đổi, không còn sử dụng cụm từ “không phân biệt quy mô diện tích đất” đã đưa ra cách hiểu khác, đó là dự án nhà ở thương mại “nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án”. Vấn đề này đã tạo ra tình trạng không công bằng giữa các dự án nhà ở thương mại và không phù hợp với Luật Đất đai./.

Print Friendly, PDF & Email