Xử nghiêm vi phạm trong thương mại điện tử, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử vẫn đang rất nhức nhối, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nhìn từ nhiều vụ việc cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử thời gian qua có thể thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên các kênh bán hàng trực tuyến vẫn đang rất nhức nhối, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trong năm 2019, lực lượng thanh tra chuyên ngành về thương mại điện tử, cùng với lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, xử phạt trên 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu qua website thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, 9 tháng năm 2020, cơ quan thanh tra chuyên ngành về thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính với các đối tượng vi phạm với tổng mức phạt 173 triệu đồng.

Việc xử lý vi phạm là vậy, tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản. Trong khi đó, chế tài xử phạt cũng mới chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính trong khi lợi nhuận thu được là rất lớn, bởi vậy vi phạm vẫn khá tràn lan.

Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm 2020, Bộ này đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ tổng số gần 223.600 gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó đã xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.

Theo Bộ Công Thương, để xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng như siết chặt kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, Bộ này đã và đang nghiên cứu, lập dự thảo điều chỉnh Nghị định 52, theo hướng hoàn thiện khung khổ pháp lý, lấp những lỗ hổng trong quản lý thương mại điện tử.

Trong đó sẽ đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng trách nhiệm của chủ sàn trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm; Bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch thương mại điện tử, tăng chế tài xử lý…

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã chủ động đăng tải cảnh báo đến người dùng trên các phương tiện truyền thông về các hành vi lừa đảo, giả mạo khi thực hiện mua sắm, đặt hàng trên môi trường điện tử, các dấu hiệu, chiêu trò lừa đảo bán các sản phẩm, thiết bị y tế kém chất lượng như khẩu trang, nước rửa tay trên mạng xã hội…

Theo Phương Mai/Vietq.vn