Trong bối cảnh các nước chạy đua sở hữu các hợp đồng vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, vaccine không phải là phép nhiệm màu để ngăn chặn đại dịch.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo, ngày 20/11, hai tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển ngừa vaccine Covid-19 sẽ nộp lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine. Pfizer trước đó thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine này cho thấy hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Phó Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng sẽ có vaccine ngừa Covid-19 sử dụng trong thời gian sớm nhất: “Có thông tin về những công ty nghiên cứu sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vaccine ngừa Covid đầu tiên. Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng ta sẽ có vaccine sử dụng trong vài tuần tới”.
Dự kiến Tập đoàn dược phẩm Moderna cũng sớm xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19, khi vaccine do Tập đoàn này bào chế hiệu quả đến hơn 94% trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Hiện chưa rõ Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ sẽ xem xét hồ sơ trong bao lâu, nhưng trước đó có nhiều thông tin cho rằng, khả năng vaccine sẽ được “bật đèn xanh” cấp phép lưu hành vào tháng 12 tới. Việc xin cấp phép vaccine này chỉ mang tính ngắn hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh khẩn cấp hiện nay, có thể được thu hồi hoặc điều chỉnh tùy thuộc hiệu quả và an toàn thực tế sử dụng sau đó.
Trong bối cảnh hoạt động phát triển và điều chế vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới đang có những thông tin tích cực, nhiều nước đang ráo riết thúc đẩy kế hoạch đặt mua vaccine phòng bệnh nhằm đảm bảo nguồn cung. Philippines có kế hoạch đặt mua 50 triệu liều vaccine phòng bệnh ban đầu để đảm bảo cho ít nhất 1/4 trong tổng số 108 triệu dân ở nước này được tiêm chủng trong năm tới. Chính phủ New Zealand đã xác nhận đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc với hãng dược Janssen đặt mua tới 5 triệu liều vaccine, còn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ ký một hợp đồng đặt mua khoảng 20 triệu liều vaccine của Công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech (Trung Quốc).
Với cuộc chạy đua sở hữu vaccine đang diễn ra quyết liệt, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, vaccine không phải là phép nhiệm màu ngăn chặn đại dịch. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới, sẽ cần ít nhất khoảng từ 4-6 tháng nữa thế giới mới có thể có được một số lượng vaccine đáng kể để phân phối cho các điểm nóng dịch bệnh. Các nước cũng không nên quá kỳ vọng rằng vaccine sẽ thay thế mọi biện pháp khác để chặn đứng đại dịch mà lơ là cảnh giác. Ông Stephane Bance – Giám đốc điều hành của Moderna – Hãng dược phẩm có ứng cử viên vaccine tiềm năng cũng khẳng định, vaccine không phải là tất cả mà cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu.
“Vaccine rất quan trọng nhưng không phải là phép màu. Điều chúng ta cần là một hệ thống giám sát mạnh hơn và các biện pháp y tế cộng đồng đủ mạnh là vũ khí tốt nhất để ngăn chặn đại dịch. Điều này đã được chứng minh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Họ đã áp dụng và có thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh mà không cần đến vaccine. Nếu mọi người vẫn tiếp tục chủ quan, không đeo khẩu trang, không tuân thủ các biện pháp sẽ khó kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.
Những thông tin tích cực về vaccine diễn ra khi các kỷ lục thế giới về Covid-19 liên tục bị xô đổ. Mỹ đã ghi nhận hơn 2.200 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất kể từ tháng 5. Trong khi đó châu Âu cũng đang trở thành tâm dịch nóng của thế giới. Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong bối cảnh nhiều nước chuẩn bị bước vào những ngày lễ lớn quan trọng vào cuối năm có thể khiến tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến./.