Vấn nạn dán nhãn hải sản không đúng bản chất diễn ra trên quy mô toàn cầu

Số liệu được đưa ra bởi tờ The Guardian (Anh) cho thấy gần 40% trong số 9.000 mẫu hải sản được thu thập từ các khu chợ, siêu thị, nhà hàng khắp thế giới đều bị dán nhãn sai.

Theo thông tin trên tờ The Guardian, nhóm chuyên gia thuộc dự án Seascape (dự án do The Guardian thực hiện) đã phân tích kết quả của hơn 40 nghiên cứu và phát hiện khoảng 36% trong số 9.000 mẫu hải sản được thu thập từ khắp các chợ, siêu thị, nhà hàng ở hơn 30 quốc gia trên thế giới đã bị dán nhãn sai.

Theo đó, những nghiên cứu được tiến hành từ trước đã dùng kỹ thuật đối chiếu ADN hiện đại để phân tích thành phần trong các mẫu thực phẩm và phát hiện chúng không liên quan hoặc có liên quan rất ít đến nhãn ghi trên bao bì.

Cụ thể, trong một nghiên cứu so sánh doanh số bán loài “cá hồng” tại các chợ, siêu thị và nhà hàng ở Canada, Mỹ, Anh, Singapore, Úc, New Zealand, nhóm chuyên gia vô tình phát hiện khoảng 40% số cá được kiểm tra đã ghi nhãn sai với bản chất. Trong đó, Anh và Canada có tỉ lệ khai gian nhãn mác tới gần 55%, tiếp theo là Mỹ với 38%.

Qua phân tích mẫu ADN nhiều sản phẩm hải sản, các chuyên gia đã phát hiện ra tình trạng cố tình làm sai nhãn mác sản phẩm này.

Trong một vài trường hợp, nhãn hải sản bị cố ý ghi sai tên của các loài trong cùng một họ. Ví dụ ở Đức, 48% mẫu sản phẩm được thu thập là sò điệp vua, thì trên thực tế, sau khi phân tích ADN lại phát hiện là loại sò điệp Nhật rẻ tiền hơn. Còn ở Italia, trong số 130 mẫu philê cá mập được mua từ các chợ hải sản, các nhà nghiên cứu phát hiện tỉ lệ nhãn mác sản phẩm bị thay thế bởi loài cùng họ rẻ tiền hơn cũng lên đến 45%.

Ngoài ra, trong cuộc nghiên cứu ở Singapore, nhóm nhà khoa học phát hiện những mẫu tôm viên họ thu thập được hoàn toàn không có thành phần từ tôm hay thủy hải sản, mà làm hoàn toàn từ… thịt heo.

Tờ The Guardian nhận định, tình trạng gian lận nhãn mác trong ngành hàng hải sản là vấn đề không mới trên toàn thế giới do đây là một trong những loại thực phẩm phổ biến và có chuỗi cung ứng khá phức tạp, qua nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng, nên rất dễ khai gian nhãn mác.

“Dù tình trạng khai gian nhãn mác hải sản là phổ biến ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ tập trung vào một số loại hải sản bị nghi ngờ là có vấn đề, do đó, mọi người không nên hiểu rằng kết luận cho thấy 36% trên tổng số mẫu mà các nhà khoa học thu thập sẽ đại diện cho cả ngành hải sản thế giới”, bà Beth Lowell, Phó chủ tịch Tổ chức phi chính phủ Oceana lưu ý.

Theo Bảo Lâm/Vietq.vn