Vải thiều Bắc Giang được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với Vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.

Cơ quan chức năng Nhật Bản vừa cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với Vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.

Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Trước đó, vải thiều cũng đã bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới.

Vải thiều Bắc Giang được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh minh họa

Với việc được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.

Được biết, toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 15.000 ha vải thiều, tập trung tại các xã như: Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn… Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năm 2020, với sản lượng đạt gần 165.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với vụ 2019, tổng giá trị thu được từ quả vải và dịch vụ liên quan của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 6.900 tỷ đồng và lần đầu tiên xuất khẩu được 200 tấn vải tươi vào thị trường Nhật Bản.

Theo Kế hoạch, diện tích sản xuất vải thiều của tỉnh năm 2021 vào khoảng 27,7 nghìn ha; năng suất 58,7 tạ/ha; sản lượng 160 nghìn tấn. Trong đó diện tích vải sớm hơn 6 nghìn ha, năng suất 67 tạ/ha, sản lượng hơn 40 nghìn tấn; vải chính vụ 21,6 nghìn ha, sản lượng hơn 119 nghìn tấn.

Sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15,2 nghìn ha, năng suất 73,3 tạ/ha; sản lượng 111 nghìn tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP 338 ha, sản lượng 2,4 nghìn tấn.

Theo Thu Hà/Vietq.vn