Bệnh viện Quận 2 được đổi tên thành Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Quận 9 được tổ chức thành Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt và Bệnh viện quận Thủ Đức được tổ chức thành Bệnh viện thành phố Thủ Đức.
UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt đề án tổ chức lại các trạm y tế phường, xã, trung tâm y tế quận, huyện và bệnh viện quận trực thuộc Sở Y tế sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập thành phố Thủ Đức.
Cụ thể, Bệnh viện Quận 2 được đổi tên thành Bệnh viện Lê Văn Thịnh trực thuộc Sở Y tế. Đây là bệnh viện hạng I có quy mô 500 giường bệnh, 9 phòng chức năng, 30 khoa và 1 phòng khám đa khoa.
Bệnh viện Quận 9 được tổ chức thành Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt trực thuộc Sở Y tế. Đây là bệnh viện hạng II với quy mô 100 giường bệnh, 4 phòng chức năng và 15 khoa.
Bệnh viện quận Thủ Đức được tổ chức thành Bệnh viện thành phố Thủ Đức, trực thuộc Sở Y tế. Bệnh viện thành phố Thủ Đức là bệnh viện hạng I với quy mô 800 giường bệnh, 10 phòng chức năng, 40 khoa và 5 phòng khám đa khoa.
Ngoài 3 bệnh viện trên, thành phố Thủ Đức còn có các bệnh viện công lập tuyến thành phố gồm Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cùng Bệnh viện Quân dân y miền Đông do quân đội quản lý.
UBND TPHCM cũng quyết định tổ chức lại, sáp nhập Trung tâm Y tế Quận 2, Trung tâm Y tế Quận 9 và Trung tâm Y tế quận Thủ Đức thành Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức trực thuộc Sở Y tế. Cơ sở vật chất của 3 trung tâm này sau khi sáp nhập vẫn giữ nguyên trạng.
Ngoài ra, TPHCM cũng quyết định thành lập các trạm y tế mới trên cơ sở sáp nhập các trạm y tế cũ thuộc thành phố Thủ Đức, các Quận 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận.
Như vậy, sau khi tổ chức sắp xếp lại, TPHCM có 16 trung tâm y tế quận, 1 trung tâm y tế thành phố và 5 trung tâm y tế huyện. Số trung tâm y tế quận, huyện đã giảm 2 đơn vị so với trước.
TPHCM hiện nay có 13 bệnh viện quận, 3 bệnh viện thành phố và 3 bệnh viện huyện. Thành phố chỉ còn 312 trạm y tế xã, phường, thị trấn, giảm 10 đơn vị so với trước đây./.
Theo baochinhphu.vn