TP. Hồ Chí Minh: 8 giải pháp để cung ứng hàng hóa thông suốt phục vụ dân

Ngày 16/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đưa ra 8 giải pháp để cung ứng hàng hóa thông suốt phục vụ người dân trong thời điểm giãn cách hiện nay.

Trong đó, với giải pháp đầu tiên, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa thành phố với các tỉnh, thành; giảm chi phí khâu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh và áp dụng triệt để việc tổ chức phân luồng xanh, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân.

tpho chi minh 8 giai phap de cung ung hang hoa thong suot phuc vu dan
Ảnh minh họa.

Ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra các giải pháp phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành rà soát, thống kê các nguồn hàng từ các tỉnh tập kết, trung chuyển về TP. Hồ Chí Minh để cung ứng, phân phối đến các hệ thống phân phối trên địa bàn; cung cấp danh sách các nhà cung ứng, hỗ trợ thu mua nông sản để tổ chức cung ứng, phân phối kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân; Đề nghị thương nhân tại 3 chợ đầu mối tăng cường tiếp nhận hàng hóa thông qua các chành vựa từ các tỉnh, thành lân cận TP. Hồ Chí Minh; Triển khai giải pháp thiết lập điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời gần các chợ đầu mối nhằm điều tiết, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh.

Song song đó, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng thực hiện giải pháp bổ trợ cho chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa của các hệ thống phân phối hiện nay; thông qua việc phát huy nguồn lực của các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics để tổ chức các điểm bán rau củ quả, thực phẩm phục vụ người dân với 1.000 điểm bán rau củ quả, thực phẩm/ngày, được bố trí rộng khắp trên địa bàn 22 quận huỵện, TP. Thủ Đức. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả của các kênh mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada… và các kênh mua sắm trực tuyến của các hệ thống phân phối hiện đại đã được công khai cho người dân được biết để mua sắm.

Ngành Công Thương cũng hướng dẫn UBND các quận huyện, TP. Thủ Đức tổ chức hoạt động các chợ truyền thống để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để giảm rủi ro và công suất hoạt động quá tải của các hệ thống phân phối hiện đại; đảm bảo các điêu kiện an toàn trong phòng, chông dịch; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Siêu thị 0 đồng” với 10 điểm bán/ngày và mở rộng phạm vi tổ chức Chương trình “Chợ nghĩa tình” trên địa bàn 22 quận – huyện, TP. Thủ Đức;

Cuối cùng, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh thực hiện giải pháp thông tin rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn các trang web bán hàng nông sản thực phẩm để tìm kiếm, lựa chọn theo nhu cầu và kết nối tạo nguồn hàng hóa để cung ứng, phân phối cho thị trường như Website https://nongsan.congthuong.hochiminhcitv.gov.vn, Website http://ketnoicungcau.vn.

“8 nhóm giải pháp này là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên và cấp bách trong giai đoạn hiện nay để phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy”, ông Vũ cho biết.

Theo Ngọc Hậu/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email