Categories Bất động sản

TP.HCM: Nhà ở cho người thu nhập thấp đang ngày càng xa tầm với

Nhu cầu nhà ở giá rẻ của người dân tại TP.HCM là rất lớn, nhưng nhiều khó khăn khiến nguồn cung giảm và ước mơ an cư lạc nghiệp của người thu nhập thấp ngày càng xa tầm với…

Nguồn cung NOXH như “muối bỏ biển”

Theo số liệu cập nhật mới nhất, dân số TP.HCM hiện tại đạt hơn 9 triệu người và là nơi có dân số đông nhất cả nước, tăng 1.8 triệu người so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, nếu tính thêm những người cư trú không đăng ký hộ khẩu thì dân số thực tế của TP. HCM khoảng hơn 14 triệu người. Đồng thời, TP.HCM đang là miền đất hứa và là nơi năng động nhất với nguồn lực lao động rất nhiều bởi cơ cấu dân số trẻ và nhiều nguồn lao động từ các tỉnh khác nhập cư.

Đi cùng với sự gia tăng về dân số thì nhu cầu về nhà ở để được an cư của người dân ngày càng cao. Theo đó, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 50.000 người trẻ trong độ tuổi 25 – 35 có nhu cầu về nhà ở. Gu nhà ở của người trẻ không giống người lớn tuổi, họ muốn sống ở dự án năng động, hiện đại, đầy đủ tiện nghi, cộng đồng cư dân trẻ…

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại TP.HCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát, thì 65-94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn từ năm 2016 – 2020, có 23 dự án nhà ở xã hội (NOXH) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,15 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 17.900 căn hộ, trong khi mục tiêu đề ra là xây dựng 20.000 căn. Số căn hộ này chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn về NOXH theo tính toán trong giai đoạn 2016 – 2020.

Từ những thống kê này có thể thấy, nhu cầu về NOXH của người dân đang là rất lớn.

Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM cần phát triển khoảng 2,13 triệu m2 sàn NOXH, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ, phục vụ cho các đối tượng tái định cư và các đối tượng thu nhập thấp. Nếu theo kế hoạch này, có thể nói nguồn cung về NOXH vẫn chỉ như “muối bỏ biển” so với nhu cầu của người dân.

Tâm sự với chúng tôi, anh Lê Trường – đang ở trọ tại quận 12 cho biết, hai vợ chồng anh tích góp được gần 500 triệu cho nên đi tìm mua NOXH mấy năm nay nhưng vẫn chưa được. Cứ ở đâu có thông tin bán nhà chung cư giá rẻ là đi xem, nhưng tìm đến dự án giá rẻ thì hết hàng, hoặc đến dự án còn hàng thì ngân hàng không cho vay do không đủ điều kiện.

Giá nhà ở xã hội đang ngày càng xa tầm với với người có thu nhập thấp

Tương tự trường hợp của anh Trường, rất nhiều người dân nhập cư ở TP.HCM hiện nay cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thậm chí, có người đã sinh sống và làm việc tại thành phố cả chục năm vẫn không đủ tiền tích lũy để mua nhà. Cho nên, mơ ước sở hữu một căn nhà để an cư của họ ngày càng xa vời, họ đành chấp nhận tiếp tục cuộc sống thuê trọ, tích góp tiếp rồi mới tính chuyện mua nhà sau.

NOXH có được gỡ khó?

Vậy nguyên nhân nào khiến mơ ước của người có thu nhập thấp muốn sở hữu NOXH ngày càng xa vời? Tại sao nguồn cung NOXH ngày càng “khan hiếm” trong khi nhu cầu mua NOXH của người dân ngày càng cao?

Theo đánh giá của một số chuyên gia thì, nút thắt lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các thủ tục hành chính còn chồng chéo rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”.

Đồng thời, các chính sách phát triển NOXH gần như bị bỏ quên sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc hồi giữa năm 2016. Trong khi đó, hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại khó để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết: “Như trước đây Nhà nước có quy định về việc mức giá NOXH là không quá 15 triệu/m2. Nhưng hiện nay, Nhà nước đã không bố trí được nguồn vốn để hỗ trợ cho chủ đầu tư được vay ưu đãi với lãi suất 5%/năm cho nên để triển khai NOXH thì buộc doanh nghiệp phải đi vay thương mại. Mà khi doanh nghiệp đi vay thương mại thì luật cho phép cộng chi phí lãi vay vào giá thành của NOXH. Cho nên giá thành của NOXH không thể giữ được mức giá 15 triệu/m2 mà sẽ tăng cao hơn rất nhiều”.

Cùng với đó, ông Châu cũng cho rằng trong mấy năm vừa qua Nhà nước cũng bố trí nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân mua NOXH ở mức quá thấp so với nhu cầu thực tế của người dân. “Ví dụ như mùa Covid năm 2021, Chính phủ hỗ trợ người mua NOXH gói 3.000 tỷ đồng nhưng vẫn là rất ít so với nhu cầu. Hơn nữa, gói hỗ trợ này chỉ dành cho người mua chứ không hỗ trợ cho chủ đầu tư nên vẫn không thể kéo giá NOXH xuống được”, ông Châu chia sẻ.

Bên cạnh đó, một rào cản khác khiến mức giá NOXH ngày càng tăng cao và xa tầm với của người có thu nhập thấp là chi phí giải phóng mặt bằng. Theo ông Châu, chi phí giải phóng mặt bằng sẽ ở mức thấp nhất khi Nhà nước có quỹ đất để giao cho chủ đầu tư. Còn nếu chủ đầu tư tự đi mua đất để xây dựng NOXH thì chi phí giải phóng mặt bằng sẽ rất cao, lúc này giá thành của NOXH cũng sẽ được đẩy lên theo.

Được biết, để giải quyết các vấn đề vướng mắc cho NOXH, thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã sớm triển khai Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.

Phương án đã được Bộ Xây dựng triển khai, nhưng thực tế, để có cơ chế mới cho nhà ở giá rẻ cần phải sửa luật, và điều này đòi hỏi sẽ phải thông qua Quốc hội. Cho nên trước mắt, Nhà nước có thể sẽ chỉ xây dựng được ở mức Nghị quyết với mức hỗ trợ không quá nhiều. Đồng thời, có lẽ cơ quan quản lý Nhà nước cần có thêm nhiều phương án hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển loại hình này. Để qua đó, người dân có thu nhập thấp sẽ sớm được sỡ hữu nhà ở nhằm “an cư lạc nghiệp”.

Theo Anh Đức/Vietq.vn