Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng Sáu và có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, nhưng giá vàng phản ứng một cách ‘khó hiểu’ với thông tin này…
Tính đến 9h sáng nay (14/7) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng 3 USD/oz (+0,17%) so với cuối phiên trước, lên mức 1.810,3 USD/oz, giao dịch trong phiên dao động quanh mức 1.798,4- 1.818,4 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng hợp đồng tương lai tháng Tám tăng 0,6 USD/oz (+0,03%) so với cuối phiên trước, hiện niêm yết ở mức 1.810,5 USD/oz.
Tính đến cuối giờ chiều qua (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay gần như đi ngang; trong khi giá vàng tương lai tăng 0,2%.
Trong khi nhiều người tin rằng dữ liệu lạm phát Mỹ gần đây đã khiến giá vàng tăng một cách vững chắc và có thể duy trì xu hướng này, thì điều đó đã không xảy ra trong ngày hôm qua. Hôm thứ Ba, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu của Mỹ đã được công bố, cho thấy tỷ lệ lạm phát hiện tại là cao nhất kể từ năm 2008.
Cụ thể, chỉ số CPI tháng Sáu đã tăng 0,9% so với tháng trước, gần gấp đôi so với dự báo của các nhà kinh tế được Reuters tham vấn trước đó là 0,5%. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ số CPI tháng Sáu đã tăng 5,4% – mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008.
Thông thường, áp lực lạm phát cao hơn chắc chắn là động lực giúp vàng tăng giá, nhưng với cảnh báo rằng lạm phát cao hơn có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, điều này sẽ khiến vàng giảm giá.
Tuy nhiên, các thành viên của Fed vẫn tiếp tục duy trì một thái độ ôn hòa và cam kết điều hành chính sách tiền tệ “phù hợp”.
Chủ tịch Fed New York, John Williams, hôm thứ Hai cho biết: “Các điều kiện để thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng vẫn chưa đạt được. Chúng tôi đặt ra một mục tiêu rõ ràng mà không chỉ là định lượng, đó là cần đạt được những tiến bộ đáng kể hơn nữa về việc làm”.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard, nói rằng: “Fed không nên bắt đầu giảm chương trình kích thích kinh tế, và nếu có thì cũng không cần phải bắt đầu ngay lập tức”.
Điều mà thị trường đang cảm thấy “khó hiểu” là rõ ràng lạm phát tiếp tục tăng và không phải nhất thời như những gì Fed đã khẳng định, thêm vào đó là thái độ vẫn ôn hòa của Fed. Nhưng, không rõ tại sao giá vàng đã không phản ứng theo cách tích cực hơn.
“Với việc chi phí vận tải và giá dầu tiếp tục tăng, lạm phát có nguy cơ vẫn ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến của Fed. Nếu xu hướng lạm phát hiện tại tiếp tục thì chắc chắn Fed sẽ phải phản ứng sớm hơn”, Fawad Razaqzada, nhà phân tích của ThinkMarkets, nói.
“Sẽ cần một chuỗi những con số nóng hơn để Fed phải thay đổi quan điểm”, Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco nói và thêm rằng Fed cũng sẽ phải xem xét các chỉ số về việc làm và tăng trưởng.
Thị trường hiện hướng sự tập trung đến phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội vào thứ Tư và thứ Năm để nắm bắt bất kỳ gợi ý nào về triển vọng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này.
Tại thị trường trong nước, tính đến 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 56,65 – 57,40 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 56,65 – 57,42 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TP.HCM niêm yết ở mức 56,75 – 57,25 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội giá vàng DOJI được niêm yết ở mức 56,75 – 57,30 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước đó.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng