Tăng cường hợp tác nông nghiệp Việt Nam – New Zealand

Dù đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng của New Zealand và ngược lại nhờ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cao đến từ người tiêu dùng.

Việt Nam và New Zealand tiếp tục có những bước tiến mới sau khi Thủ tướng Chính phủ hai nước cùng tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ Việt Nam – New Zealand lên Đối tác Chiến lược vào tháng 7/2020, đã tạo nền tảng vững chắc cho việc tăng cường kết nối và hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Đánh giá cao các dự án hỗ trợ ODA của New Zealand đã giành cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Quốc Doanh cho rằng, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả Việt Nam và New Zealand. Cả hai quốc gia đều là những nhà sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp mạnh với nhiều mặt hàng bổ trợ cho nhau. Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 2 tỷ đô la New Zealand tính đến cuối tháng 9/2020.

tang cuong hop tac nong nghiep viet nam new zealand
Nhiều loại trái cây Việt Nam đã có mặt tại New Zealand.

Dù đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng của New Zealand và ngược lại nhờ nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cao đến từ người tiêu dùng.

Hiện New Zealand đang tiếp tục triển khai đa dạng nhiều hoạt động hợp tác với Bộ NN&PTNT trong lĩnh vực chọn tạo, phát triển giống cây trồng chất lượng cao, kiểm dịch động thực vật, dịch tễ học và thú y, thử nghiệm thông quan các sản phẩm nông sản bằng giấy chứng nhận điện tử (SPS-Ecert), an toàn đập và vận hành hồ chứa… thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ do Chính phủ New Zealand tài trợ.

Hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp đạt nhiều thành tựu to lớn góp phần thúc đẩy nâng cấp lên Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand.. Đặc biệt, New Zealand đã hỗ trợ Việt Nam nhiều dự án lớn có ý nghĩa trong việc phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp, điển hình là Dự án Phát triển giống cây ăn trái mới chất lượng cao giữa Việt Nam và New Zealand trị giá 8,1 triệu đô la New Zealand giúp Việt Nam chọn tạo giống mới cho quả thanh long ruột vàng, kỹ thuật canh tác mới nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển chuỗi giá trị thanh long theo mô hình Công ty ZESPRI đang áp dụng đối với quả kiwi của New Zealand. Đó còn là dự án rau an toàn tại Bình Định, hay dự án an toàn đập Việt Nam – New Zealand triển khai tại khu vực miền Trung…

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, Bộ NN&PTNT sẵn sàng là đầu mối khu vực ASEAN của Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về giảm thải khí nhà kính nông nghiệp (GRA) do New Zealand tài trợ, tập trung vào các lĩnh vực như kiểm kê khí nhà kính, nghiên cứu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh.

Việt Nam hoan nghênh các sản phẩm của New Zealand, đặc biệt nguyên liệu gỗ nhập khẩu về chế biến do gỗ New Zealand thuộc vùng địa lý tích cực. Đồng thời, Việt Nam cũng đánh giá cao việc New Zealand đã mở cửa cho một số loại trái cây của Việt Nam như xoài, thanh long và chôm chôm. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT mong muốn New Zealand sẽ tiếp tục mở cửa đón nhận thêm các loại trái cây khác. Đồng thời, đề nghị New Zealand hỗ trợ các dự án nghiên cứu, phối hợp cùng với phía Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sâu về tác động của đại dịch Covid-19 đến sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng nông sản để có kết quả cụ thể, làm cơ sở xây dựng kế hoạch, chiến lược đối phó và khắc phục tác động lâu dài của đại dịch Covid-19.

Ông Ray Smith, Giám đốc điều hành Bộ Các ngành cơ bản New Zealand hiểu rằng, tăng cường thương mại không chỉ đồng nghĩa với việc đẩy mạnh xuất khẩu. Điều đó còn phụ thuộc vào quá trình trao đổi kiến thức, chuyên môn, công nghệ, dịch vụ, xây dựng giá trị để mở rộng cơ hội đầu tư giữa hai nước. Sự trao đổi hai chiều này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước chúng ta.

Chính phủ New Zealand sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ NN&PTNN trong công tác đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính thông qua Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.

Theo Hữu An/Thời báo Ngân hàng