Sở Công Thương giải thích lý do TP.HCM chậm mở lại chợ truyền thống

Để chuẩn bị cho các hoạt động mở lại chợ, UBND TP.HCM đã cho phép 3 chợ đầu mối mở điểm trung chuyển hàng hóa, khi có điều kiện thích hợp sẽ cho đồng loạt mở lại chợ truyền thống.

Tại họp báo chiều 12/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết từ trước đến nay UBND TP.HCM không có chủ trương đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố.

Việc các chợ phải đóng cửa là do điều kiện thực tế có ca nhiễm Covid-19 hoặc chưa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Để phục vụ cung ứng hàng hóa cho người dân kịp thời, ngày 12/8, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Công Thương yêu cầu hướng dẫn cho các quận, huyện có phương án mở lại hoạt động chợ ngưng hoạt động.

“Trong đó, Sở đã có các hướng dẫn chi tiết như sơ đồ mô hình chợ an toàn, hoạt động chủ yếu cung ứng lương thực thực phẩm tươi sống với số lượng tiểu thương hạn chế, bán hàng đồng giá, dựng vách ngăn, người đi mua được phát phiếu và thông tin trước về mặt hàng, giá cả…”, ông Phương cho hay.

khi nao mo lai cho anh 1
Các chợ đang hoạt động hiện nay chủ yếu là vùng ven, ngoại thành, nhưng số này rất ít. Ảnh: Chí Hùng

Tuy nhiên, với các hướng dẫn đó, các quận, huyện chưa kịp triển khai thì thành phố nâng cấp mức độ giãn cách xã hội, thực hiện “ai ở đâu ở yến đó” và triển khai đi chợ hộ.

“Để chuẩn bị cho các hoạt động mở lại chợ, Sở Công Thương và TP đã cho phép 3 chợ đầu mối tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa. Tới đây khi các yêu cầu của công tác phòng chống dịch thay đổi, việc mở cửa chợ sẽ theo đúng lộ trình đúng với thực tế”, ông Phương nói.

Trước mắt, Sở sẽ làm việc với các quận, huyện để rà soát, sau đó sẽ hướng dẫn các quận huyện đồng loạt mở lại các chợ.

Ngày 11/9, Sở Công Thương TP.HCM cho biết Sở sẽ phối hợp UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai phương án đi chợ một lần mỗi tuần cho người dân tại địa bàn quận 7 và huyện Củ Chi. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá tình hình các chợ truyền thống đang hoạt động, nghiên cứu đề xuất phương án mở lại các chợ vào thời điểm phù hợp.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ chủ trương gia tăng các mạng lưới cung ứng hàng hóa, tăng cường tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa và khả năng dự trữ. Hiện TP.HCM có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích còn hoạt động. Hiện, các chợ đang hoạt động chủ yếu là vùng ven, ngoại thành, nhưng số này rất ít.

Theo Thanh Thương/Zingnews.vn