VN-Index sẽ tái lập đỉnh 1.400 điểm

Chứng khoán Mirae Asset dự báo, chỉ số VN-Index trong 4 tháng cuối năm nay sẽ dao động khá tích cực, trong kịch bản tiêu cực nhất, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.200 điểm. Trong kịch bản lạc quan nhất, khi kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát VN-Index có thể hướng đến đỉnh cao mới trong năm nay ở mức 1.440 điểm.

Trong tháng 8, các chỉ số kinh tế đã phản ánh rõ nét sự ảnh hưởng tiêu cực của việc dịch bệnh kéo dài. Xuất khẩu bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ, hoạt động sản xuất công nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp, doanh thu bán lẻ và tiêu dùng giảm tốc mạnh nhất trong lịch sử, đầu tư công chậm lại. Đặc biệt chỉ số quản trị mua hàng PMI tháng 8 giảm mạnh xuống mức 40,2 điểm, phản ánh sức khỏe của lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Những biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại dẫn đến đóng cửa tạm thời một số doanh nghiệp, khiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm đều giảm với tốc độ nhanh hơn.

vn index se tai lap dinh 1400 diem

Tuy nhiên, nền kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc trở lại khi dịch bệnh được khống chế. Tin vui là mới đây, chính quyền TP. HCM cho phép một số loại hình kinh doanh như cung cấp dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

Một số địa phương khác cũng rục rịch lộ trình trở lại trạng thái bình thường. Tại thủ phủ công nghiệp Bình Dương, TP. Thủ Dầu Một trở thành nơi đầu tiên mở cửa trở lại từ ngày 10/9. Trong khi Đồng Nai cũng đang lên kế hoạch cho trạng thái bình thường mới; Đà Nẵng cho mở lại một số hoạt động như chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa…

Dự kiến từ đây đến cuối năm, đi cùng với tỷ lệ tiêm chủng vắcxin ngừa Covid-19 dần tiến tới 70%, nền kinh tế sẽ mở lại toàn bộ các hoạt động.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán Mirae Asset, trong kịch bản dịch được kiểm soát trong tháng 9, tăng trưởng GDP 2021 cả năm nay sẽ đạt 5,9%. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu. Nhu cầu bên ngoài phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai vắc xin toàn cầu và các gói hỗ trợ kích thích kinh tế ở các đối tác thương mại lớn giúp xuất khẩu tăng trưởng hai con số, đồng thời thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Đó có thể là câu chuyện Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021 và sang 2022.

Bên cạnh đó, chứng khoán Mirae Asset dự báo, chỉ số VN-Index trong 4 tháng cuối năm nay sẽ dao động khá tích cực, trong kịch bản tiêu cực nhất, VN-Index được kỳ vọng sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.200 điểm. Trong kịch bản lạc quan nhất, khi kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát VN-Index có thể hướng đến đỉnh cao mới trong năm nay ở mức 1.440 điểm.

Trong khi đó, SSI Research cũng nâng mức dự báo cho chỉ số VN-Index cuối năm nay, đi cùng với lộ trình mở cửa lại nền kinh tế được cụ thể hóa, giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan. Nhịp điều chỉnh thời gian qua sẽ được xác nhận kết thúc khi chỉ số VN-Index phá vỡ thành công kháng cự 1.350 điểm đi cùng với khối lượng giao dịch lớn. Khi đó, mục tiêu gần của chỉ số sẽ là tiến đến khu vực tầm 1.380 điểm.

Trong kịch bản xấu hơn khi lộ trình mở cửa lại nền kinh tế không như dự kiến, gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, khi đó chỉ số VN-Index có thể quay lại với trạng thái điều chỉnh, trước khi tìm kiếm điểm cân bằng tại vùng hỗ trợ 1.300 – 1.285 điểm.

SSI cũng đề cập đến một số chất xúc tác hiện tại mà nhà đầu tư có thể tin tưởng như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng vẫn còn dư địa. Lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, dự báo ở mức 3% trong năm 2021 thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4%. Từ đó tạo nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ, song song với chính sách tài khóa nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trong điều kiện bình thường mới.

Theo Nam Minh/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email