Sau một thời gian nghiên cứu, vào đầu tháng 3/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (US Centers for Disease Control and Preventio – CDC) phát hiện một số người tái mắc COVID-19 có tình trạng nghiêm trọng hơn so với lần đầu.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC, dựa trên 2 đợt bùng phát COVID-19 cách nhau 3 tháng tại một viện dưỡng lão ở bang Kentucky.
Với đợt bùng phát từ giữa tháng 7 – 8/2020, nhóm khoa học gia phân tích trên 20 người cao tuổi và 5 nhân viên chăm sóc đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đợt tiếp theo từ cuối tháng 10 – 12/2020 với 85 người cao tuổi, 43 nhân viên y tế mắc COVID-19.
Kết quả cho thấy 5 người trong số họ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 sau hơn 90 ngày kể từ lần nhiễm đầu tiên. Họ đều đã có ít nhất 4 lần xét nghiệm acid nucleic âm tính.
Vì vậy, CDC loại bỏ tình trạng bệnh nhân còn sót lại virus trong người hay hiện tượng dương tính giả do còn kháng thể.
Hai bệnh nhân tái nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ trong lần nhiễm đầu tiên, có diễn biến nặng hơn. Một người nhập viện, bệnh nhân còn lại đã chết.
Theo nhà nghiên cứu Alyson Cavanaugh, người dẫn đầu dự án, ngay cả bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng trong lần nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên thì cơ thể của họ không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh để ngăn ngừa tái nhiễm virus.
Kết quả cũng cảnh báo có thể lần nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2 sẽ khiến bệnh nhân bị nặng hơn, có nguy cơ tử vong.
Hạn chế duy nhất trong nghiên cứu là mẫu thử nhỏ, không được lưu trữ nên họ không thể giải trình tự gene để xác định nguyên nhân, cách thức hoạt động của virus trên những bệnh nhân bị tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 với dân số nói chung vẫn còn thấp.
Tuy nhiên, những người cao tuổi trong viện dưỡng lão là nhóm dễ gặp rủi ro bởi cộng đồng sống đông đúc, số lượng phơi nhiễm cao, và bởi lẽ đó, những nơi này nên tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất có thể.
Theo Khánh Phương/Chất lượng&cuộc sống