Trăn trở với những chuyển đổi trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng luôn băn khoăn làm thế nào để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, lại vừa phát triển ngân hàng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nhưng lại giữ vai trò là xương sống của toàn bộ nền kinh tế. Cho nên những bước đi của ngân hàng thực sự quan trọng. Và với vai trò là người “chèo lái” ngân hàng, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng đã lựa chọn chuyển đổi số cho tương lai của OCB.
Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song lợi nhuận trước thuế của OCB năm 2020 vẫn tăng 37% so với năm trước, tổng tài sản tăng 29%. OCB khá thận trọng trong rủi ro tín dụng, luôn chú trọng mục tiêu tăng trưởng quy mô bền vững đi cùng với chất lượng tài sản. Nhờ vậy, OCB luôn trong nhóm những ngân hàng hoạt động hiệu quả, có “sức khỏe” tài chính tốt.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, OCB cũng như nhiều doanh nghiệp khác phải xây dựng chiến lược để vừa vượt qua “bão’ dịch, vừa tiếp tục đạt kết quả cao trong kinh doanh. “Chiến lược và định hướng phát triển kinh doanh của OCB vẫn nhất quán, với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ tốt hàng đầu, lấy khách hàng làm trọng tâm, trở thành ngân hàng được lựa chọn trong một số phân khúc. Song, điểm đặc biệt nhất trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng thời điểm này cũng như tương lai là đẩy mạnh hoạt động số hóa”, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.
Hiện, toàn bộ quy trình xử lý nghiệp vụ cơ bản như thanh toán, tín dụng của OCB đã được số hóa. Các hệ thống “máy học” đưa ra thông tin giúp ban lãnh đạo ngân hàng ra quyết định chính xác, hiệu quả. Ngoài ra, OCB còn áp dụng hệ thống định giá tài sản bảo đảm tự động, giúp tăng sự khách quan, tăng tốc độ và tăng quy mô kinh doanh mà không cần nhiều nhân sự.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, năm 2021, dự kiến OCB có nhiều bứt phá về mặt chuyển đổi số. Nếu làm phép so sánh giữa ngân hàng và các công ty công nghệ trong tài chính (fintech), có thể thấy rằng ngân hàng truyền thống có điểm yếu là hệ thống, bộ máy khá cồng kềnh, cũng như lãnh đạo khó có khả năng tiếp cận thường xuyên, nhanh với người dùng cuối. Đây là lý do chính mà ngân hàng khó có khả năng tạo ra những sản phẩm nhanh và quyết liệt như các công ty fintech. Tuy nhiên, điểm yếu này sẽ được khắc phục qua nền tảng mới, cho phép các bên thứ ba tiếp cận để phát triển những sản phẩm tài chính trên cơ sở chia sẻ tài nguyên với ngân hàng.
“Số hóa sẽ là chiến lược trọng tâm của OCB và chúng tôi quyết tâm trong vài năm nữa, trở thành ngân hàng hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam”, Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tùng bày tỏ. Riêng trong năm 2020, ngân hàng đã được đối tác là Gartner (công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới) kiểm định về hoạt động số hóa. Kết quả, OCB có 3 tiêu chí được Gartner đánh giá dẫn đầu thị trường là: Định hướng về phát triển số, hệ thống nền tảng (hạ tầng mạng, an toàn bảo mật…) và các ứng dụng hỗ trợ.
Theo Hà Linh/Hà Nội mới