Categories Bất động sản

HoREA: Đề xuất mua bán bất động sản phải qua sàn là chưa hợp lý

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị bỏ quy định chủ đầu tư dự án phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê bất động sản thông qua sàn giao dịch do lo ngại sẽ kéo chi phí, làm tăng thêm giá bán nhà.

Dự thảo về đề xuất mua bán bất động sản phải qua sàn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Dự thảo về đề xuất mua bán bất động sản phải qua sàn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo đề cương luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng thông qua các sàn giao dịch bất động sản.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản bổ sung góp ý đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Bộ Xây dựng.

Theo đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRE đề nghị bỏ quy định chủ đầu tư dự án phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản do lo ngại sẽ kéo chi phí, làm tăng thêm giá bán nhà.

Lý giải điều này, HoREA cho rằng, Điều 14 dự thảo đề cương dự kiến “Bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản” là một bước thụt lùi, không phù hợp với các quy định hiện hành và cũng không sát với thực tiễn.

Cũng theo ông Châu thì sàn giao dịch bất động sản không bỏ vốn đầu tư vào dự án bất động sản, nhưng lại được “đặc quyền” bán 80% sản phẩm của dự án, kiểu “tay không bắt giặc” là không bình đẳng, không công bằng giữa các doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch HoREA, việc quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch bất động sản còn làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Cùng với, phí dịch vụ của sàn giao dịch bất động sản hiện nay thường bằng khoảng trên dưới 2% giá trị hợp đồng và được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà, công trình xây dựng mà người mua nhà, nhà đầu tư phải gánh chịu.

“Do vậy, không thể quy định “bắt buộc” chủ đầu tư phải thực hiện giao dịch nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất đông sản, mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản”, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Hoạt động môi giới, sàn giao dịch là rất cần thiết và là một bộ phận của thị trường bất động sản và giữ vai trò cầu nối giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng, nhưng cần nhận thức rõ “các sàn giao dịch bất động sản chỉ được làm trung gian để thực hiện bán, cho thuê nhà ở theo ủy quyền của chủ đầu tư và hưởng phí giao dịch qua sàn.

“Nếu tiếp tục cho quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản, sẽ không phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020; Luật Đầu tư 2020; Luật Thương mại 2005; Bộ Luật Dân sự 2015; Luật Kinh doanh BĐS 2014”, ông Châu cho biết thêm.

Khác với quan điểm của HoREA, chia sẻ mới đây ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) lại cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững, thì việc giao dịch bất động sản qua sàn là bắt buộc và cần thiết.

“Khi đó, mọi thông tin của bên bán – chủ đầu tư sẽ được các sàn giao dịch thẩm định, kiểm tra sơ bộ căn nhà đó, lô đất đó, dự án đó có đầy đủ pháp lý không, giá cả phù hợp không… sau đó các sàn niêm yết, công khai, minh bạch truyền tải thông tin đến người mua. Còn đối với người mua, thông qua các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp giúp họ lựa chọn được sản phẩm phù hợp, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cho họ”, đại diện VARs chia sẻ.

Tuy nhiên, theo VARs thì cần xây dựng lại quy định thành lập sàn giao dịch bất động sản, phải đủ quy mô về diện tích, đủ điều kiện về cơ sở vật chất , năng lực tài chính. Toàn bộ nhân viên sàn giao dịch bất động sản có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Quy đinh hàng tháng, hàng quý các sàn giao dịch phải báo cáo giao dịch cho cơ quan quản lý nhà nước (Sở Xây dựng), Hội môi giới bất động sản… Và ngược lại Sở xây dựng các tỉnh thành có thể kết hợp với Hội môi giới bất động sản luôn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các sàn giao dịch bất động sản, để xử lý những sai phạm (nếu có). Khi đó sẽ hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, cho khách hàng, tạo nên một thị trường minh bạch.

“Do đó để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, có tính ổn định và phát triển bền vững, thiết nghĩ luật kinh doanh bất động sản nên quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch. Để tránh tình trạng những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động không lành mạnh, đưa thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, khách hàng cũnng như ảnh hưởng đến thị trường bất động sản”, đại diện VARs nhấn mạnh.

Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email