Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa tổ chức hội nghị đánh giá 3 năm triển khai chương trình Doanh nghiệp hải sản Việt cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đồng thời, VASEP cũng đề ra kế hoạch cần triển khai thời gian tới để thoát thẻ vàng, lấy lại thị trường xuất khẩu, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và ngư dân.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Trưởng Ban điều hành IUU (thuộc VASEP) cho biết, việc EC đưa ra thẻ vàng IUU với việc khai thác hải sản Việt Nam đã khiế́n 3 năm qua (từ 2017 đến nay) xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) sụt giảm. Cụ thể, kể từ năm 2019 thị trường EU đã rớt xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường lớn nhập khẩu thủy sản Việt Nam (hiện nay thị trường EU đứng sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc). Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, xuất khẩu thủy sản Việt sang EU vừa bị tác động của dịch bệnh Covid-19, vừa chịu sức ép thẻ vàng, nên đã giảm kim ngạch đến 13% so với cùng kỳ năm 2019. Hơn nữa, việc nhận thẻ vàng của EU không chỉ tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới việc xuất khẩu hải sản sang EU, mà còn sớm làm ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác (vốn chiếm 16% – 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với giá trị khoảng 350 – 400 triệu USD/năm).
Đối với xuất khẩu hải sản của một số quốc gia, có nhiều hệ lụy khi bị nhận thẻ vàng của EU. Đó là, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại điều này nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng (không hợp tác); Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU, làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó. Cùng với đó, các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU giơ thẻ vàng, ví dụ như Mỹ nước đang áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ 1/1/2018.
Không những thế, trong thời gian bị thẻ vàng, 100% container hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc và điều này sẽ phải mất một thời gian dài, thậm chí 3-4 tuần/container; phí kiểm tra nguồn gốc này vào khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất lại là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, gây tổn thất cho doanh nghiệp rất nặng nề (điều này đã xảy ra với Philippines khi có đến 70% số container hàng hải sản bị trả lại, khiến tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản sang EU của nước này tính trung bình lên đến 10.000 Euro/container). Cuối cùng, nước bị cảnh báo thẻ vàng sẽ có 6 tháng để khắc phục các thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với bị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản khai thác sang EU.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam. Vì vậy, giữ vững thị trường EU là việc quan trọng mà VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam đã phải rất nỗ lực trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi EU cảnh báo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam. VASEP và cộng đồng doanh nghiệp hải sản Việt đã cam kết sẽ tiếp tục chung tay cùng các bộ, ngành, cơ quan quản lý và ngư dân trong Chương trình chống khai thác IUU khẳng định, nói không với thủy sản khai thác IUU. Cụ thể là không thu mua, không nhập khẩu, không vận chuyển, không chế biến và không xuất khẩu thủy sản khai thác IUU sang bất cứ thị trường nào.
Đến nay, phía EC vẫn theo dõi chặt chẽ các hành động của ngành thủy sản Việt, nhưng việc rút lại thẻ vàng vẫn chưa mấy tiến triển. Và “bình thường hóa” tại thị trường EU đối với xuất khẩu thủy sản Việt xem ra vẫn là “đường xa, gánh nặng”!
Theo Thanh Trà/Thời báo Ngân hàng