Các chỉ số chứng khoán chính tăng điểm ngay từ khi mở cửa ngày 13/1 với sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu bluechips và ngân hàng. VCB, BID, SAB, MSN, VNM… là những mã đã đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của chỉ số. Bên cạnh nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán, thực phẩm, tiêu dùng, bảo hiểm cũng ghi nhận mức tăng nhẹ, giúp VN-Index đóng cửa tăng gần 4 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,78 điểm (+0,36%) lên 1.060,17 điểm. Thanh khoản trên HoSE được cải thiện, tăng 22% so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt xấp xỉ 7.890 tỷ đồng.
Trong phiên, chỉ số có thời điểm tăng lên 1.066 điểm, nhưng áp lực bán gia tăng ở vùng giá cao khiến chỉ số thu hẹp dần đà tăng trong phiên chiều. Lực bán gia tăng mạnh ở nhóm bất động sản, xây dựng, dầu khí, công nghệ khiến nhiều mà giảm sâu dưới tham chiếu như NVL, PDR, DXG, SSI, GAS, PVD, PVS… Số mã tăng/giảm điểm khá cân bằng nhau trong bối cảnh dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường. Thanh khoản dù tăng nhẹ so với phiên trước đó, nhưng vẫn nằm dưới mức trung 20 phiên gần nhất.
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia chứng khoán cho biết, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng vào thứ Sáu và hướng tới kết thúc một tuần tăng mạnh nhờ triển vọng Cục Dự trữ Liên bang giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm nay sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng của Mỹ giảm như dự kiến vào tháng 12.
Thị trường trong nước duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp nhờ sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành để giữ nhịp thị trường. Tuy nhiên, áp lực bán ở vùng cản 1.070 điểm vẫn khá lớn khiến đà tăng bị thu hẹp dần về cuối phiên.
Về kỹ thuật, chuyên gia phân tích chứng khoán Đinh Thái Huyền Trang cho biết, sự xuất hiện của nến Doji vẫn thể hiện rõ tâm lý giằng co giữa bên mua và bên bán. Lực bán mạnh vẫn luôn thường trực ở vùng giá cao, trong khi dòng tiền bên mua vẫn khá thận trọng trước ngưỡng cản quanh vùng 1.070 điểm. Tâm lý nhà đầu tư đang nghiêng về việc nghỉ Tết sớm nên dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài thị trường. Xu hướng đi ngang được dự báo tiếp tục tiếp diễn trong các phiên trước kỳ nghỉ lễ. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục với mức độ vừa phải.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cũng ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 13/1/2023 tương ứng với diễn biến tăng giá. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận duy trì diễn biến hồi phục và tăng giá mặc dù đang có dấu hiệu suy yếu.
Tuy vậy, diễn biến hồi phục hiện tại vẫn được đánh giá khá tốt khi dàn trải đều ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, giúp chỉ số ổn định hướng về ngưỡng 1.100 điểm.
Về chiến lược giao dịch, CTS cho biết, áp lực điều chỉnh bắt đầu xuất hiện trở lại nhưng không đáng kể trong bối cảnh dư địa hồi phục và tăng giá của VN-Index vẫn đang được duy trì và đang ổn định tại vùng hỗ trợ 1.045-1.050 điểm. Theo đó, nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng danh mục ở ngưỡng 50% cổ phiếu và 50% tiền mặt, kỳ vọng chỉ số VN-Index hướng tới ngưỡng 1.100 điểm.
Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) chũng cho biết, thị trường tiếp tục giằng co trong vùng 1.050-1.065 điểm phiên thứ 7 liên tiếp với thanh khoản ở dưới mức trung bình 20 phiên. Độ rộng thị trường khá cân bằng với 8/19 ngành tăng điểm. Dòng tiền luân chuyển giữa các nhóm ngành tăng tốt có thể kể đến: Thực phẩm và đồ uống, Ngân hàng, Dịch vụ tài chính…
Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này quay đầu bán ròng trên sàn HSX, chấm dứt chuỗi mua ròng nhiều ngày trước đó. Mã bị bán ròng nhiều nhất là EIB (-3,4 nghìn tỷ đồng).
“Trong tuần tới, nhiều khả năng VN-Index vẫn sẽ đi ngang trong vùng 1.050-1.065 điểm và có thể sẽ rung lắc mạnh hơn trong những ngày cận Tết”, đại diện BSC nhận định.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng