Giá vé máy bay trong nước hiện đã tăng trở lại tương đương những năm trước. Các chặng bay đến những địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang đều có mức giá cao, hơn 2 triệu/vé khứ hồi.
Nếu ngay sau khi giãn cách xã hội, vé máy bay xuống mức thấp kỉ lục, có những chặng bay giá vé bao gồm thuế phí chưa đến 500.000 đồng thì hiện tại, giá vé máy bay đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. So với khoảng thời gian này của những năm trước, giá vé máy bay đã tương đương của mùa du lịch đỉnh điểm.
Cụ thể, hiện tại chặng bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh đã có mức giá lên đến 1,5 triệu đồng/vé khứ hồi, đủ thuế phí. Trong khi đó, chỉ mới cuối tháng 5, đầu tháng 6 giá vé máy bay chặng này chỉ khoảng 1 triệu khứ hồi, đủ thuế phí. Một số chặng bay có giá vé cao kỉ lục như Hà Nội – Nha Trang tăng gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng. Chặng bay Hà Nội – Phú Quốc cũng tăng cao gấp 2 lần so với thời điểm sau khi hết thời gian giãn cách xã hội.
Các chặng bay nội địa đã hồi phục 100% tần suất. Bên cạnh đó, các hãng cũng mở thêm nhiều đường bay mới như Vinh – Đà Nẵng, Thanh Hóa – Phú Quốc, Hải Phòng – Quy Nhơn…
Theo khảo sát của PV, giá vé tháng 7, 8 đang ở mức cao nhất. Sau đó tháng 9, 10 giá vé giảm dần. Hiện tại, để có mức giá dưới 1 triệu khứ hồi như tháng 5 chỉ có một số chặng bay của hãng Vietjet Air như Hà Nội – Pleiku… Còn lại, các chặng bay khác đều tăng giá lên hơn 1 triệu/vé khứ hồi/ đủ thuế phí.
Anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ một đại lý bán vé máy bay trên đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội cho biết, giá vé máy bay tăng cao do nhu cầu đi du lịch của người dân tăng. Thời điểm này, các cơ quan, công ty cũng cho nhân viên đi du lịch nên nhu cầu rất lớn. Các chặng bay đến những thành phố biển như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang đều có mức giá cao ngất ngưởng. Thậm chí, nếu hãng Vietjet Air luôn được coi là hãng có mức giá rẻ thì hiện nay giá vé máy bay của hãng này cũng tương đương với các hãng khác như Vietnam Airlines, Bamboo.
“Tôi thấy, chỉ có các chuyến bay liên danh giữa Vietnam Airlines và Jetstar là có mức giá thấp hơn một chút nếu bay từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh hay Nha Trang, Đà Nẵng. Còn lại giá vé máy bay đến các điểm này hiện nay rất cao nhất là bay cuối tuần, giờ đẹp cũng phải đến 2,5 triệu một vé. Thậm chí nhiều chặng còn không có mức giá 2,5 triệu mà phải hơn 3 triệu/vé”, anh Hoàng nói.
Anh Huy Hoàng cũng cho biết thêm, nếu những năm trước, khi bay ngày thấp điểm như thứ 3, 4, 5 hay bay giờ xấu trước 7h sáng và sau 22h tối thường có giá vé thấp. Nhưng năm nay, mức giá vé của ngày thấp điểm và khung giờ được coi là giờ xấu cũng có giá khá đắt đỏ.
Bên cạnh giá vé máy bay tăng cao, các combo du lịch cũng không còn dưới 3 triệu. Nếu tháng 4, tháng 5 các trang mạng nở rộ những combo du lịch 3 ngày 2 đêm chỉ với 1,9 triệu đồng đi Phú Quốc, Đà nẵng, Nha Trang thì hiện tại mức giá combo du lịch như trên thấp nhất cũng phải 3,5 triệu đồng. Theo những người làm combo du lịch thì do vé máy bay tăng cao, nhu cầu du lịch lớn, lượng khách sạn còn ít chỗ nên giá combo cũng vì thế mà đẩy lên cao.
Chị Hằng, nhân viên kế toán một công ty xuất nhập khẩu ở Giảng Võ (Hà Nội) cho biết, hồi tháng 5 chị thấy trên mạng xã hội rao bán combo du lịch giá rẻ và đề xuất với lãnh đạo cho nhân viên công ty đi du lịch Phú Quốc. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo công ty mới duyệt đề xuất. Nhưng giá combo du lịch đã không còn rẻ. Mỗi combo đều tăng giá thêm 2 triệu. Vậy nên, chị Hằng đành làm lại đề xuất để chuyển địa điểm.
“Lúc tháng 5 tôi thấy giá combo du lịch đi Phú Quốc chỉ 2 triệu một người nhưng hiện tại, giá combo đã tăng lên khá cao. Giờ công ty tôi lại chuyển hướng đi Hạ Long. Tôi cứ nghĩ giá sẽ không tăng nhưng không ngờ sau 1 tháng lại tăng lên cao như vậy”, chị Hằng cho biết.
Theo chị Nguyễn Mai Anh, tư vấn viên công ty Du lịch Hải Yến Travel, giá combo hồi tháng 5 xuống thấp kỉ lục. Tuy nhiên, sang tháng 6, do vé máy bay tăng cao nên giá combo cũng tăng cao. Thậm chí, hiện nay giá combo tháng 7, 8 đi Nha Trang, Quy Nhơn, Mũi Né cao gấp đôi so với hồi tháng 4,5. Bởi tháng 7, 8 học sinh được nghỉ hè nên các gia đình cũng có nhu cầu đi du lịch nhiều hơn.
Hiện nay, với nhiều đường bay nội địa mới, các hãng bay đã huy động tối đa nguồn lực và mạng lưới bay nội địa hiện dày đặc. Đây là dấu hiệu tích cực của ngành hàng không phục hồi sau Covid-19. Tuy nhiên, các chuyến bay thương mại đi quốc tế vẫn chưa nối lại do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp.
Theo Phương Nam/Vietq.vn