FDI Mỹ vào Việt Nam sẽ không giảm

Giới đầu tư nhận định, dù kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thế nào thì vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam sẽ không giảm trong thời gian tới khi mà nhiều doanh nghiệp Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang leo thang. Trong xu thế đó, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp Mỹ.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đang khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu sụt giảm mạnh, thế nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn được duy trì khá tích cực. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2020, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn đạt trên 23,4 tỷ USD, chỉ giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là giảm dòng vốn góp, mua cổ phần (hay là vốn đầu tư gián tiếp – FII, giảm 43,5%).

Đặc biệt, giới đầu tư nhận định, dù kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thế nào thì vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam sẽ không giảm trong thời gian tới khi mà nhiều doanh nghiệp Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang leo thang. Trong xu thế đó, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp Mỹ.

fdi my vao viet nam se khong giam

Quả vậy, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Mỹ đứng thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với số vốn đầu tư 9,4 tỷ USD trên 1.000 dự án hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, công nghiệp chế biến, chế tạo… Trong Hội nghị kinh doanh Việt – Mỹ tổ chức trong tháng 10 vừa qua, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Mặc dù số liệu thống kê Mỹ đứng ở vị trí thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng các công ty con hoạt động ở nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam còn lớn hơn số liệu thống kê trên đây. Đơn cử, Apple, Google… đang thông qua nhà sản xuất thiết kế sản phẩm gốc và nhà sản xuất sản phẩm theo thiết kế đang thực hiện đầu tư ở Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại cuộc tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 10/2020 ở Hà Nội, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển tài chính Hoa Kỳ Adam Boehler cũng cho biết, cơ quan này tới đây sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam. Ngân hàng Eximbank của Mỹ cũng mong muốn tiếp tục đầu tư vào các dự án năng lượng sau khi đã có những dự án đầu tư trong những năm qua đáng kể nhất là dự án điện gió Bạc Liêu của ngân hàng này.

Trong một diễn biến mới nhất, Delta Offshore Energy mới ký thoả thuận hợp tác với 3 tập đoàn của Mỹ bao gồm Bechtel, General, McDermott thực hiện dự án điện khí từ khí hóa lỏng Bạc Liêu trong đó có phát triển, sử dụng thiết bị dịch vụ của Mỹ giá trị hơn 3 tỷ USD. Dự án của Delta Offshore Energy làm có vốn đầu tư trên 50 tỷ USD trong 25 năm vốn đầu tư 100% nước ngoài, nằm trong quỹ an ninh năng lượng của liên minh Mỹ – Úc – Nhật Bản.

Giới chuyên gia đầu tư cho rằng, những dự án đầu tư về năng lượng của Mỹ vào Việt Nam cần phải có một thời gian dài thực hiện và còn nhằm mục đích cân bằng thương mại giữa Việt – Mỹ trong tương lai. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần thu hút đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực nông – thủy sản, nhằm tận dụng công nghệ chế biến của các doanh nghiệp Mỹ trong bảo quản và trữ hàng nông thủy sản xuất khẩu. Đây là điểm mạnh của các doanh nghiệp Mỹ có thể bổ sung cho các doanh nghiệp nông – thủy sản của Việt Nam hiện nay còn đang thiếu và yếu trong đầu tư công nghệ trong sản xuất chế biến. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tận dụng các xu hướng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp Mỹ và các công ty con của doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc để né cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung, trong khi giá nhân công ở Trung Quốc hiện nay đã trở nên kém cạnh tranh hơn với thị trường lao động Việt Nam.

Tuy nhiên, giới tư vấn đầu tư cho rằng về lâu dài các nhà quản lý mong muốn đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tăng cường vào Việt Nam để phát triển một nền công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao cần phải có một chính sách hấp dẫn hơn là dành quỹ đất ra để mời doanh nghiệp Mỹ. Theo đó, những địa điểm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ có thể cần phát triển nhanh chóng các chính sách của thành phố Thủ Đức, thuộc TP.HCM với 3 điểm cốt lõi là khởi nghiệp, sáng tạo và đô thị thông minh – đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư Mỹ rót vốn thông qua các mô hình này để phát triển kinh doanh.

Theo Trần Duy/Thời báo Ngân hàng