eKYC ngày càng phổ biến

Việc triển khai ứng dụng eKYC khiến việc sở hữu tài khoản ngân hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đây cũng là bước tiến mới trong công cuộc số hóa các hoạt động ngân hàng, thúc đẩy khách hàng thay đổi thói quen chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến, tiết kiệm thời gian, công sức và đặc biệt đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Ngày 22/6/2021 vừa qua đã diễn ra Hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân từ ngày 1/7/2021. Đại diện phía Bộ Công an cho biết, hiện lực lượng công an đã cập nhật vào hệ thống hơn 100 triệu thông tin dân cư và làm sạch đạt 96,6%, đồng thời triển khai cấp số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc; thu nhận hồ sơ để cấp hơn 52 triệu thẻ căn cước. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương để góp phần phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.

ekyc ngay cang pho bien
Ảnh minh họa

Trước đó ngày 20/6/2021, 4 NHTM (trong đó có 3 NHTM Nhà nước và 1 NHTMCP) đã ký thoả thuận với Bộ Công an ký về việc khai thác dữ liệu căn cước công dân. Đây lại thêm một bước tiến đáng mừng nữa bởi việc càng sớm kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đồng nghĩa với tiến trình triển khai ngân hàng số của các nhà băng càng được đẩy nhanh hơn. Định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) là cửa ngõ để triển khai ngân hàng số. Thêm nữa, việc ngân hàng khai thác được dữ liệu căn cước công dân sinh trắc học, thì gần như việc giả mạo thông tin khi mở thẻ ngân hàng sẽ không còn nữa. Chuyên gia cũng cho rằng, triển khai hiệu quả eKYC sẽ giúp ngân hàng tối đa hoá nguồn nhân lực, giảm thiểu sai sót về mặt con người, rủi ro về đạo đức.

Kể từ khi Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (trong đó có quy định về eKYC) có hiệu lực từ ngày 5/3/2021, sau hơn một tháng triển khai, tới tháng 4/2021, báo cáo từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy toàn hệ thống đã có 15 ngân hàng triển khai chính thức với khoảng 340.000 khách hàng được mở tài khoản qua phương thức này. Vụ trưởng Vụ Thanh toán ông Phạm Tiến Dũng nhìn nhận, “đây là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp người dân không cần phải tới chi nhánh mà vẫn có thể mở được tài khoản ngân hàng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB cũng chia sẻ: Việc triển khai ứng dụng eKYC khiến việc sở hữu tài khoản ngân hàng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đây cũng là bước tiến mới trong công cuộc số hóa các hoạt động ngân hàng, thúc đẩy khách hàng thay đổi thói quen chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến, tiết kiệm thời gian, công sức và đặc biệt đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Theo ông Lê, eKYC được kỳ vọng sẽ đem lại khả năng tiếp cận khách hàng vượt trội cho ngân hàng. eKYC sẽ không chỉ hướng đến những khách hàng trẻ tuổi, yêu thích sử dụng công nghệ, bận rộn mà còn hướng đến nhóm khách hàng ở khu vực xa các thành phố lớn, khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, nhằm mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN.

Là một trong những NHTMNN đầu tiên áp dụng eKYC trong việc mở tài khoản thanh toán, ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó tổng giám đốc VietinBank nhiều lần khẳng định: “Công nghệ điển hình như eKYC sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng, giúp cho ngân hàng tăng trưởng số lượng khách hàng, mở rộng thị phần, người dân thì được tiếp cận các dịch vụ tài chính dễ dàng, thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian hơn và an toàn bảo mật hơn”.

Liên quan tới vấn đề triển khai eKYC trong các ngân hàng, đây là vấn đề mới, và để làm tốt được eKYC thì không chỉ phụ thuộc từ phía NHNN mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan vì NHNN phải dựa vào nguồn dữ liệu trên căn cước công dân, số chứng minh thư nhân dân. “Do chưa kết nối được trực tiếp cơ sở dữ liệu về công dân nên theo báo cáo, 100% ngân hàng triển khai eKYC đều thiết lập bộ phận hậu kiểm để kiểm tra toàn bộ thông tin, dữ liệu thu thập được nhằm đảm bảo an toàn cho việc bảo mật thanh toán”, Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho hay.

Ông Phạm Tiến Dũng cũng thông tin thêm, để triển khai eKYC hiệu quả, NHNN dự kiến sẽ khai thác dữ liệu từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất, cơ sở dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua việc kết nối của các ngân hàng với cơ sở này. Ở nguồn thứ hai, trong thẻ căn cước công dân hiện nay có tính năng cho phép chúng ta gửi thông tin vào thẻ căn cước công dân, thẻ có ứng dụng tự chạy để so sánh thông tin, trả lại kết quả cho ngân hàng. Hiện nay NHNN đang triển khai theo hai hướng này, một hướng thực hiện online cơ sở dữ liệu, một hướng là offline để khai thác dữ liệu này. Sự phối hợp chặt chẽ với các bên sẽ giúp ứng dụng thành công giải pháp này, đáp ứng chính sách tốt hơn cho triển khai eKYC.

Theo Khuê Nguyễn/Thời báo Ngân hàng