Thị trường chứng khoán ngày 15/10 khá hưng phấn vào đầu phiên, sau đó rơi vào trạng thái giằng co quanh mốc tham chiếu. Đến cuối phiên, đà tăng của một số bluechips trụ cột như VIC, PNJ, HPG, MSN, VCB… đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh. Phiên giao dịch khép lại với cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm.
Cụ thể, VN-Index đóng cửa tăng 2,58 điểm (0,27%) lên 942,76 điểm, HNX-Index tăng 1,58% lên 139,66 điểm và UPCoM-Index tăng 0,55% lên 63,48 điểm.
Đáng chú ý là chỉ số VN30 tăng hơn 7 điểm nhưng vẫn chưa vượt qua mốc 900 điểm. Cổ phiếu MSN đang duy trì đà tăng khá tích cực cùng với 2 cổ phiếu cùng họ khác là MML và MSR.
Sắc xanh chiếm ưu thế tại các nhóm ngành có tính thị trường cao như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, bán lẻ… khiến đà tăng của thị trường được củng cố.
Ở chiều ngược lại, VHM, BID, GVR, GAS, BVH… giảm điểm cùng sự suy yếu của cổ phiếu ngành bảo hiểm, thủy sản và dệt may khiến áp lực gia tăng lên các chỉ số.
Đáng chú ý, thanh khoản thị trưởng ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 11.000 tỷ đồng, dù không có sự đóng góp của các giao dịch thỏa thuận có quy mô lớn.
Về giao dịch khối ngoại, các nhà đầu tư tiếp tục bán ròng gần 280 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng khá mạnh với 8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 261,14 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào MSN (-254,4 tỷ đồng), SAB (-57,5 tỷ đồng), PVT (-37 tỷ đồng)…
Trên UPCoM, khối ngoại cũng bán 1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 25,84 tỷ đồng.
Ngược lại, trên HNX, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp với 450 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 8,29 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia chứng khoán cho biết, sắc đỏ bao phủ thị trường chứng khoán châu Á dưới tác động đến từ phát biểu đêm qua của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cùng các chỉ số kinh tế không thực sự tích cực của khu vực.
Thị trường Việt Nam cũng giao dịch khá giằng co và tăng điểm cuối phiên nhờ sự dẫn dắt đến từ nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn đang duy trì khiến áp lực gia tăng tới thị trường.
Về kỹ thuật, VN-Index vượt qua ngưỡng 940 điểm và tiến vào vùng kháng cự mạnh 950 điểm được tạo ra bởi ngưỡng Fib(94,6%). Nhịp rung lắc mạnh xuất hiện trong phiên làm gia tăng khả năng điều chỉnh của thị trường trong các phiên tới. VN-Index có thể sẽ rung lắc mạnh trong vùng 940 – 950 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền mạnh được kỳ vọng sẽ giúp thị trường không giảm sâu. Các chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh là cần thiết để củng cố thêm xu hướng tăng mới của thị trường. Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ danh mục hiện tại và duy trì quan sát thị trường.
Dưới góc nhìn của mình, đại diện Công ty CK Chứng khoán MBS cho biết thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có phiên bùng nổ về thanh khoản sau khi tăng điểm 5 phiên liên tiếp. Chất xúc tác hỗ trợ thị trường có thể thấy vẫn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bất chấp áp lực chốt lời ở phiên sáng.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 2,58 điểm lên 942,76 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 7,05 điểm lên 899,2 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 184 mã tăng/223 mã giảm, ở rổ VN30 có 19 mã tăng, 8 mã giảm và 3 mã giữ tham chiếu. Thanh khoản thị trường bùng nổ với giá tṛi khớp lệnh đạt hơn 8.402 tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 11/6/2020.
Về kỹ thuật, điểm số tăng liên tiếp kèm sự hỗ trợ của thanh khoản là dấu hiệu xác nhận xu hướng tăng bền vững. Với quán tính tăng như hiện nay, mốc cản 950 điểm hoàn toàn có thể bị chinh phục, tuy vậy những nhịp rung lắc vẫn xuất hiện trước khi thị trường hướng đến vùng giá mục tiêu. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi cổ phiếu giá cao và nên tận dụng nhịp tăng điểm này để chốt lời những cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận.
Liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng F2010 đóng cửa tăng 4,4 điểm lên 899,2 điểm và trùng với mức giá đóng cửa của chỉ số VN30-Index. Trong phiên, hợp đồng này có thời điểm giảm xuống 893 điểm, tuy nhiên lực cầu mạnh đã giúp chỉ số lấy lại sắc xanh. Các vị thế Long trước đó đều đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Dòng tiền đã dịch chuyển dần sang hợp đồng F2011 trong phiên.
Tuy nhiên, điểm basic hợp đồng này lại mở rộng trạng thái âm ở mức 10,6 điểm. Điều đó cho thấy nhà đầu tư đang khá bi quan với diễn biến thị trường cơ sở. Chỉ số VN30-Index đóng cửa sát mốc 900 điểm, nhưng thanh khoản lại suy giảm so với phiên ngày hôm trước. Dòng tiền đang có dấu hiệu chậm lại ở vùng giá cao. Nhà đầu tư cần lưu ý sự xuất của nhịp điều chỉnh kỹ thuật ở vùng này. Mặc dù vậy, xu hướng tăng mới vẫn đang được ủng hộ bởi đường MACD, MFI, Stochastic… do đó nhà đầu tư hạn chế mở vị thế Long mới ở vùng giá hiện tại.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng