Việc phục hồi sản xuất hiện nay của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp ngành Dệt may ở Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn khi công nhân, người lao động trẻ liên tục “nhảy việc” với mong muốn tìm chỗ làm có thu nhập cao hơn.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH Đà Nẵng, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong quý I/2022 bắt đầu phục hồi. Người lao động được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 đã giúp doanh nghiệp khôi phục hoạt động và tìm đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố tháng 3/2022 ước tăng 2,91% so với tháng 3/2021; trong đó công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 2,12%.
Tốc độ phục hồi sản xuất ổn định, song nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng và giữ chân công nhân, người lao động.
Sau hơn 2 tháng trở lại công việc, chị Nông Thanh Lương (quê Nghệ An), quyết định làm hồ sơ vào một công ty sản xuất mặt hàng điện tử tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng. Trước đây, chị Lương là công nhân của một doanh nghiệp chuyên về may mặc xuất khẩu. Gắn bó được hơn 5 tháng thì chị xin nghỉ vì chịu không được áp lực trong khi chỗ làm mới cho thu nhập cao hơn.
“Nhiều người làm cùng tôi trước đây đều chuyển sang làm tại công ty điện tử nên tôi cũng làm hồ sơ. Tôi thấy làm công nhân may thu nhập không cao và phải làm ca. Bên các công ty điện tử thì thoải mái và thu nhập lại cao hơn. Công ty cũ vẫn có sự quan tâm với người lao động nhưng thời điểm này giá cả vật chất đều tăng cao nên hầu hết người lao động chỉ quan tâm đến thu nhập”, chị Lương chia sẻ.
Từ tâm lý đó, tình trạng người lao động “nhảy việc” liên tục từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác như chị Lương là rất phổ biến. Điều này tạo nên nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cần đẩy mạnh khôi phục sản xuất.
Theo ông Huỳnh Văn Chính – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dệt may 29/3, hiện nay doanh nghiệp dệt may đang thiếu lao động do nhiều người có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” nên họ “nhảy việc” khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
“Doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất, đang cần có người lao động nhưng rất ngại việc đào tạo nguồn nhân lực bởi chi phí đào tạo lớn. Khi họ có được kiến thức, tay nghề thì lại tìm đến những nơi khác để cống hiến. Với việc nhiều doanh nghiệp không phải ngành Dệt may cạnh tranh nhân lực bằng lương sẽ khiến nhiều người lao động không còn tính chung thủy với công ty”, ông Chính cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Diệp – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân các phiên giao dịch hiện nay vắng bóng người lao động trẻ tuổi bởi môi trường làm việc tại các doanh nghiệp may mặc trong các khu công nghiệp không tạo được sức hút.
“Trên thực tế lực lượng lao động còn rất lớn nhưng nhiều người, nhất là người trẻ không chú trọng với công việc tại các khu công nghiệp nên các doanh nghiệp gặp khó trong tìm lao động trẻ”, ông Diệp cho biết.
Về giải pháp, theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Trung tâm vẫn thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng qua các kênh để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều lao động.
“Chúng tôi cũng duy trì thực hiện kết nối phiên giao dịch việc làm với các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên qua hình thức trực tuyến mỗi tháng/một lần với các địa phương để người lao động các tỉnh có thêm nhiều sự lựa chọn thuận lợi”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng chia sẻ.
Theo thống kê, trong quý I/2022, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng đã tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm thu hút 720 lượt doanh nghiệp tham gia. Tại các phiên đã khớp nối, giới thiệu việc làm cho 464 lao động. Các thành phần kinh tế trên địa bàn đã tạo việc làm cho 4.500 lao động, trong đó có 3.750 vị trí việc làm tăng thêm.
Theo Xuân Hậu/TC Lao động&Công đoàn