Sáng ngày 13/1, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
Mục tiêu của quy hoạch lần này là đưa vùng đất quê hương Bác trở thành địa điểm giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là quần thể du lịch văn hóa – lịch sử hấp dẫn gắn với đặc trưng tiêu biểu của vùng đất Nam Đàn và tỉnh Nghệ An.
Tham dự hội nghị có ông Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía nhà tài trợ thực hiện quy hoạch có ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: “Dù là Di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng công nhận từ năm 2012 nhưng di tích vẫn chưa được quy hoạch, đầu tư, quảng bá xứng tầm. Sự kết nối giữa các hạng mục của khu di tích với cảnh quan tự nhiên của vùng đất địa linh nhân kiệt chưa phát huy hết tiềm năng trong việc cải thiện đời sống nhân dân trong khu di tích”.
Một số hạng mục hiện tại khu di tích còn thiếu như khu xử lý môi trường, đỗ xe, dịch vụ, trung tâm điều hành, điều tiết, hướng dẫn tham quan… cũng được bà Mỹ Hạnh đề cập và cho rằng là nguyên nhân dẫn đến việc giảm đi tính hấp dẫn của quần thể di tích.
Chính vì lẽ đó, việc Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1943/QĐ-TTg chính thức phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong sự phát triển của khu di tích, của huyện Nam Đàn và tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá: “Đây là sự kiện có tính chất hết sức quan trọng không chỉ với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà còn của Quốc gia vì đây là khu di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm qua, các cơ quan chính quyền Trung ương và địa phương đã cố gắng bảo vệ, bảo quản, giữ gìn và phát huy các tài liệu, hiện vật, cảnh quan di tích để đông đảo nhân dân có thể tới thăm quan, học tập. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, lập đề án, dưới sự tài trợ của Tập đoàn T&T và các tư vấn hàng đầu của Pháp và trong nước, tới hôm nay, chúng ta đã có được quy hoạch tổng thể theo Quyết định 1943/QĐ của Thủ tướng”.
Ông Nguyễn Đức Trung cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Tập đoàn T&T trong việc xây dựng đề án bài bản, lấy ý kiến rộng rãi, tổ chức rất nhiều hội nghị để tiếp thu ý kiến trước khi tỉnh Nghệ An trình Thủ tướng.
Phát biểu tại buổi làm việc ngay sau hội nghị với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, ông Đỗ Quang Hiển thay mặt lãnh đạo Tập đoàn T&T Group cho biết được phối hợp, tài trợ cho tỉnh Nghệ An thực hiện quy hoạch từ ban đầu đến giờ là một niềm vinh dự tự hào to lớn của đơn vị.
Để phối hợp tốt với địa phương xây dựng quy hoạch, Tập đoàn T&T Group đã tổ chức các cuộc thi thi ý tưởng, lựa chọn đơn vị tư vấn với hội đồng giám khảo là các nhà sử học, đại diện các bộ, ngành… đã có hơn 10 đơn vị tham gia và cuối cùng chọn được đơn vị của Pháp đứng đầu việc tư vấn quy hoạch. Đến ngày hôm nay, khi có đề án được Thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn T&T Group mới cảm thấy vơi bớt nỗi trăn trở vì dự án có tính chất cực kỳ đặc biệt không chỉ với địa phương mà còn cả nước, liên quan đến quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Không chỉ có vậy, việc thực hiện tốt quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt còn đóng góp chung vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, là điều kiện để thực hiện mục tiêu đến 2025 là tỉnh khá của phía bắc, đến 2030 là tỉnh khá của cả nước.
“Tập đoàn T&T Group rất mong muốn quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sớm được triển khai và đi vào thực tế. Đó là sự tri ân và trách nhiệm của chúng ta với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu” – ông Đỗ Quang Hiển cho hay.
Không chỉ tài trợ cho việc xây dựng Quy hoạch Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng cùng ngày trong khuôn khổ hội nghị, Tập đoàn T&T Group đã trao số tiền ủng hộ 3 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo Nghệ An để địa phương có thêm kinh phí hỗ trợ cho người nghèo đón năm mới Tân Sửu 2021.
Với tổng diện tích được thực hiện quy hoạch từ năm 2021 đến 2030 là 278,86ha, bao gồm khu vực bảo vệ của di tích, có tổng diện tích là 170,13ha, Cụm Di tích làng Sen (quy mô 21,5ha), Cụm Di tích làng Hoàng Trù (quy mô 16,8ha), Khu mộ bà Hoàng Thị Loan (quy mô 48,2ha) và Cụm Di tích núi Chung (quy mô 83,63ha).
Khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích (trên cơ sở phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), có tổng diện tích là 108,73ha, bao gồm Khu đất nông nghiệp cạnh Cụm di tích núi Chung (quy mô 60,73ha) và đất ruộng thuộc các xóm Mậu 4, Mậu 5 và xóm Liên Minh, xã Kim Liên (quy mô 48ha).
Theo nội dung quy hoạch, toàn bộ khu di tích, diện tích 287,86ha được quy hoạch thành một khu tưởng niệm danh nhân, địa điểm đón tiếp các thế hệ người Việt Nam và người nước ngoài đến thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tìm hiểu những ký ức về thời niên thiếu của Người; đồng thời là khu du lịch lịch sử – văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, trung tâm văn hóa- lễ hội, không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng quê Bắc Trung Bộ Việt Nam.
Về định hướng quy hoạch khu vực phát huy giá trị di tích, hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng mới đảm bảo hài hòa với không gian cảnh quan các khu vực di tích và địa phương; chiều cao công trình không quá 16m; khuyến khích sử dụng hình thức kiến trúc truyền thống vùng Nam Đàn.
Khu du lịch văn hóa – sinh thái Núi Chung gồm Đền thờ các cụ thân sinh và chị em ruột Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu du lịch sinh thái kết hợp dã ngoại và khu công viên cây xanh cảnh quan: Hình thành địa điểm “Du lịch về nguồn” kết hợp với bảo tồn, phát huy các yếu tố sinh quyển đặc hữu của địa phương, gắn kết không gian với toàn khu tưởng niệm bằng trục không gian ảo, điểm đầu tại khu vực núi mộ bà Hoàng Thị Loan và điểm cuối tại khu vực núi Chung. Mật độ xây dựng gộp khoảng 2-3%, tầng cao tối đa 3 tầng.
Khu cánh đồng lúa huyết rồng, diện tích 60,73ha (là khu đất nông nghiệp nằm cạnh núi Chung) quy hoạch thành khu khu vực trồng và bảo tồn lúa huyết rồng, canh tác theo hình thức organic, kết hợp với không gian trải nghiệm và bảo tồn kiến trúc làng quê truyền thống.
Khu du lịch văn hóa, diện tích 45ha hình thành khu du lịch văn hóa-lịch sử gắn với các mô hình xưởng sản xuất các sản phẩm nghệ thuật làm từ sen như tranh làm từ lá sen, nón lá sen, quạt lá sen, lụa làm từ tơ sen, các sản phẩm ẩm thực từ sen…; không gian bảo tồn cảnh quan kiến trúc làng quê truyền thống vùng đất Nam Đàn, trung tâm dịch vụ (cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú và khu vực hậu cần).
Theo thanhtra.com.vn