Cơ hội thúc đẩy cho vay DNNVV do phụ nữ làm chủ

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ DNNVV, trong đó có WSME, thông qua đó thúc đẩy bình đẳng giới. Các NHTM cũng đã coi nhóm DN này là một trong những đối tượng ưu tiên trong cấp tín dụng. Tuy nhiên, tiếp cận tài chính vẫn là một khó khăn đối với các WSME. Nguyên nhân do hạn chế năng lực quản trị, phương án kinh doanh khả thi…

WSME – phân khúc đầy tiềm năng

Tại Hội thảo “Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (WSME): Thông lệ quốc tế và khung chính sách” do NHNN phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 6/6, bà Vũ Minh Châu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) cho biết, trong điều kiện kinh tế có những biến động khó lường, khu vực kinh doanh do phụ nữ làm chủ thường có khả năng bền vững hơn. Những DN này không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Thực tế đã chứng minh, WSME có vai trò quan trọng đối với giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Theo ông Reuben Jessop – chuyên gia tư vấn tài chính quốc tế, Công ty Palladium, khách hàng WSME là phân khúc đầy tiềm năng của các nhà băng. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy thị trường dịch vụ ngân hàng dành cho phụ nữ đang ngày càng lớn hơn và mang đến cho ngân hàng những cơ hội tăng trưởng hấp dẫn. Phụ nữ và DN do phụ nữ làm chủ là những khách hàng trung thành, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho các tổ chức tài chính. Ông Reuben Jessop cho biết, DN nữ thường muốn “toàn bộ tiền” do một tổ chức tài chính quản lý, họ đồng thời cũng sẽ là những người quảng bá mạng lưới; và có thể giới thiệu khách hàng mới nhiều hơn so với nam giới nếu hài lòng với dịch vụ của ngân hàng. Ngoài ra, các khoản vay của khách hàng cá nhân và DN nữ có ít rủi ro hơn và có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn.

Bà Minh Châu cho biết, xác định DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có các WSME, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhóm DN này trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đặc biệt, để hỗ trợ kịp thời cho các DN có khó khăn về tài chính trong giai đoạn Covid-19, từ tháng 4/2021, ADB đã triển khai Dự án giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các DNNVV với tổng giá trị 5 triệu USD với cơ quan chủ quản là NHNN và 5 NHTM tham gia thực hiện (BIDV, ACB, SHB, TPBank và VPBank).

Việc xây dựng mạng lưới và cộng đồng của các nữ chủ DN là rất quan trọng
Việc xây dựng mạng lưới và cộng đồng của các nữ chủ DN là rất quan trọng

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai cho vay đối với WSME, ông Nguyễn Cảnh Hùng – Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SeABank cho biết, ngân hàng đã xây dựng nhiều sản phẩm cho vay dành riêng cho WSME, triển khai thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE). Ngoài ra, ngân hàng còn nhiều sản phẩm khác nhằm đồng hành với WSME trong việc nâng cao khả năng quản trị, chuyển đổi số.

Ông Cát Toàn Luân – đại diện đến từ SHB cũng cho biết, ngân hàng đã ký hợp đồng hợp tác tín dụng với IFC trị giá 120 triệu USD nhằm phát triển danh mục cho vay DNNVV, trong đó có WSME và những DN tham gia chuỗi cung ứng. SHB cam kết sẽ dành riêng tối thiểu 37,5% giá trị khoản vay để cho vay các WSME, tương đương 45 triệu USD. SHB cũng sẽ nhận được khoản tài trợ 226.000 USD từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) và Quỹ Tạo cơ hội cho nữ doanh nhân (WEOF) – các sáng kiến tài trợ toàn cầu với mục tiêu mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nữ doanh nhân. Mới đây, SHB cũng triển khai gói ưu đãi lãi suất, trị giá 4.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng WSME là một trong các đối tượng được ưu tiên sử dụng gói ưu đãi.

Nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của WSME

Bà Chu Thị Hồng Minh – Chuyên gia tài chính cao cấp ADB tại Việt Nam đánh giá, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ DNNVV, trong đó có WSME, thông qua đó thúc đẩy bình đẳng giới. Các NHTM cũng đã coi nhóm DN này là một trong những đối tượng ưu tiên trong cấp tín dụng. Tuy nhiên, tiếp cận tài chính vẫn là một khó khăn đối với các WSME. Nguyên nhân do hạn chế năng lực quản trị, phương án kinh doanh khả thi… Ngoài ra, đối với phụ nữ, những công việc gia đình cũng có ảnh hưởng nhất định trong việc tiếp cận tài chính.

Để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho các WSME, ông Reuben Jessop khuyến nghị, các cơ quan quản lý cần thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các DN do phụ nữ làm chủ như một biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm bảo vệ ngân hàng trước tình trạng suy giảm danh mục cho vay. Đồng thời, cải thiện cơ chế bảo lãnh tín dụng và dịch vụ tư vấn để hoạt động hiệu quả hơn. Các tổ chức tài chính cũng cần theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính ở cấp độ công ty và danh mục đầu tư; Đồng thời, xây dựng chiến lược dành riêng, phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho DN do phụ nữ làm chủ; đẩy mạnh số hóa và khai thác tốt hơn thông tin khách hàng trong quá trình thẩm định; cân nhắc cung cấp các chương trình giáo dục tài chính thiết thực nhằm hỗ trợ khách hàng nâng cao chất lượng hồ sơ tài chính…

Ông Cát Toàn Luân đề xuất, ngân hàng cũng cần cung cấp đào tạo và tư vấn chuyên sâu về quản lý tài chính, kế toán, quản lý rủi ro và kỹ năng kinh doanh cho nữ chủ DN. Điều này giúp khách hàng nắm bắt được các nguyên tắc cơ bản và quản lý tài chính hiệu quả, từ đó tăng khả năng vay và quản lý vốn. TCTD cũng có thể tạo ra các chính sách vay đặc biệt, như lãi suất ưu đãi, thời gian vay linh hoạt; hoặc các khoản vay không đòi hỏi tài sản đảm bảo. Thông qua đó, giúp tăng khả năng để nữ chủ DN có thể tiếp cận vốn vay và khám phá cơ hội kinh doanh.

Về phía các cơ quan liên quan, ông Luân cho rằng, việc xây dựng mạng lưới và cộng đồng của các nữ chủ DN là rất quan trọng. Thông qua đó sẽ giúp các nữ chủ DN có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Điều này không chỉ tạo ra môi trường hỗ trợ, mà còn mở ra cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh và tăng cường sự tự tin cho nữ chủ DN.

Đối với WSME, ông Nguyễn Cảnh Hùng đề nghị, cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển từ phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị đối thoại của chính quyền/sở ngành với DN, chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh/thành phố, đề đạt kịp thời những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ; Chủ động, tích cực tham gia các mạng lưới hiệp hội/hội/câu lạc bộ doanh nhân nữ để có cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ, học hỏi kiến thức kinh doanh và nghề nghiệp, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ giúp đỡ các DN khác…

Theo Quỳnh Trang/Thời báo Ngân hàng
Print Friendly, PDF & Email