Chứng khoán Việt Nam: Ưu tiên không để thị trường “ngừng nghỉ”

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng có nền tảng cơ sở từ thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng có nền tảng cơ sở từ thực hiện thắng lợi mục tiêu kép của Chính phủ. Một số vướng mắc như quá tải về hệ thống giao dịch thời gian qua đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nỗ lực khắc phục, trên nguyên tắc đảm bảo thị trường vận hành ổn định, bền vững. Đây là những thông tin đáng chú ý được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra trong cuộc gặp mặt và thông tin với báo chí sáng 19/1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 19/1 có phiên điều chỉnh giảm mạnh, điều này cũng là bình thường trong sự vận hành của thị trường. Về tổng thể, theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán năm qua đã có sự phục hồi ngoạn mục trong dịch Covid-19, nhất là so với điểm đáy vào cuối quý I/2020.

Chỉ số VN-Index cuối năm 2020 vượt 1.100 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất trong năm, và tăng 15% so với cuối năm 2019. Chỉ số HnxIndex cũng tăng tương ứng gần 119% và 98%. Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu phục hồi mạnh. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5.300 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 20% so với cuối năm 2019, đạt tương đương 84% GDP năm 2020, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, ổn định và đảm bảo sự phát triển lành mạnh.
Thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, ổn định và đảm bảo sự phát triển lành mạnh

Thị trường trái phiếu có giá trị niêm yết đạt 1.388 nghìn tỷ đồng, tăng gần 17% so với cuối năm 2019 và tương đương với 23% GDP. Về triển vọng phát triển thị trường chứng khoán năm 2021, bên cạnh nền tảng kinh tế vĩ mô tích cực, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, nội tại thị trường chứng khoán năm 2021 có nhiều thay đổi tích cực về chất.

“Luật chứng khoán 2019 và 4 Nghị định, 11 Thông tư hướng dẫn có hiệu lực từ đầu năm 2021, sẽ tạo nên hành lang pháp lý chuẩn hóa và góp phần phát triển thị trường chất lượng, công khai minh bạch theo đúng chuẩn quốc tế. Hệ thống công nghệ thông tin (mới) của thị trường chứng khoán dự kiến triển khai sớm nhất trong năm 2021, sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả hơn”, bà Bình nhận định.

Một điểm đáng chú ý là số lượng nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục, đạt gần 400.000 tài khoản trong năm 2020, tăng gần 110% so với năm 2019. Tổng số lượng tài khoản tại Việt Nam đạt hơn 2,7 triệu tài khoản, tăng gần 17% so với cuối năm 2019. Đây là lực đỡ quan trọng giúp thanh khoản thị trường chứng khoán năm 2020 tăng kỷ lục dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trên thị trường cổ phiếu, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt hơn 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng gần 60% so với bình quân năm 2019. Đặc biệt tính riêng quý IV năm ngoái, giá trị bình quân đạt gần 11.600 tỷ đồng/phiên, tăng 2,5 lần so với đầu năm.

Về mức độ tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam từ nửa cuối năm 2020 đến những ngày đầu năm 2021 này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, do thị trường phát triển nhanh nên hệ thống của TP HCM quá tải và nghẽn lệnh. Rõ ràng thanh khoản tăng quá nhanh và một số giải pháp đã được Ủy bán áp dụng đã giãn được một phần nhưng chưa giải quyết triệt để.

“Trong thời gian ngắn tới, hiện tượng này vẫn xảy ra và đó là điều đáng tiếc. Ủy ban đã chỉ đạo Sở Chứng khoán TP HCM tiếp tục tìm các giải pháp, trong đó có giải pháp nhà đầu tư chọn bước lệnh hợp lý, đặt 2-3 giá mà không “rải đinh” giá như trước đây. Điều này cũng cần có sự phối hợp tư vấn của công ty chứng khoán với nhà đầu tư. Ưu tiên của Ủy ban chứng khoán là không để thị trường ngừng nghỉ một ngày nào”, ông Dũng nói.

Ông Trần Văn Dũng cũng nhìn nhận, ưu tiên không để thị trường “ngừng nghỉ”, do đó nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể tính đến biện pháp hành chính, nhưng nếu áp dụng sẽ thông báo cụ thể, rõ ràng với nhà đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, tình trạng này được khắc phục với hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hệ thống này bị chậm đưa vào vận hành do dịch Covid-19 từ năm ngoái, đã có những tín hiệu mới. Bởi mới đây, chuyên gia từ Hàn Quốc đã sang được Việt Nam để hoàn thiện, và dự kiến sau tết Nguyên đán sẽ đưa vào chạy thử nghiệm với các Công ty chứng khoán.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khẳng định, ưu tiên của cơ quan quản lý là giữ thị trường hoạt động minh bạch, ổn định, điều hành linh hoạt và tăng cường thanh tra giám sát đảm bảo sự phát triển lành mạnh. Việc thị trường tăng tính hấp dẫn trong thời gian gần đây là có cơ sở nền tảng Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, chống dịch và phục hồi kinh tế,  tạo niềm tin với nhà đầu tư.

“Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều bất định trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19”, ông Trần Văn Dũng cho biết, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư cần xem xét cẩn trọng các yếu tố vĩ mô, tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp để có quyết định đầu tư phù hợp với “khẩu vị” rủi ro của mình./.