Chứng khoán tuần này liệu có vượt đỉnh?

Theo các chuyên gia, trong tuần này, thị trường chứng khoán dự báo sẽ có diễn biến điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần.

Sự giằng co gia tăng

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (VNCSI), thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co trong một xu hướng không rõ ràng và đây là diễn biến được kéo dài từ tuần giao dịch cuối cùng của tháng 2 cho đến nay. Đóng cửa tuần giao dịch từ ngày 8/3 đến ngày 12/3, VN-Index tăng 12,87 điểm (+1,10%) lên mốc 1.1814,56 điểm với thanh khoản đạt 78.338 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số HN-Index có thêm 14,11 điểm (+5,43%) lên mức 273,91 điểm với thanh khoản đạt 11.623 tỷ.

Hầu hết trong các phiên giao dịch là trạng thái giằng co diễn ra giữa bên mua và bên bán khiến chỉ số nhiều lần đảo chiều quanh mốc tham chiếu. Áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới và xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang là hai yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước và kìm nén đà tăng của chỉ số.

Trạng thái giằng co diễn ra giữa bên mua và bên bán khiến chỉ số nhiều lần đảo chiều quanh mốc tham chiếu. (Ảnh minh họa: KT)
Trạng thái giằng co diễn ra giữa bên mua và bên bán khiến chỉ số nhiều lần đảo chiều quanh mốc tham chiếu. (Ảnh minh họa: KT).

“Mở cửa trong sắc xanh nhưng lực cầu không được gia tăng là nguyên nhân khiến phiên giao dịch cuối tuần trước đóng cửa bằng một cây nến đỏ. Đồ thị tuần xuất hiện một cây nến “Doji Chuồn Chuồn” sau hai cây nến “Spinning Top” trước đó cho thấy sự giằng co đang ngày một gia tăng và áp lực bán hiện tại không phải là nhỏ”, VNCSI cho biết.

Mặc dù đà tăng không mạnh nhưng nhìn chung dòng tiền đã có sự lan tỏa trên các nhóm ngành trong tuần giao dịch vừa qua. Có 14/18 nhóm ngành kết tuần trong sắc xanh, đứng đầu là ngành Hóa chất (+3,90%); tiếp theo là ngành Ngân hàng (+2,82%); đứng ở vị trí thứ 3 về mức tăng trong tuần qua là ngành Ô tô và phụ tùng (+2,20%). Ở chiều ngược lại, các ngành giảm điểm trong tuần qua là Dầu khí, Điện nước và xăng dầu khi đốt, Hàng và dịch vụ công nghiệp, Du lịch và giải trí.

Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những tác nhân gây sức ép rất lớn lên thị trường trong tuần qua. Họ bán ròng cả 5/5 phiên giao dịch với giá trị đạt 3.421 tỷ, cao gấp đôi so với tuần trước đó. Đứng đầu danh sách bán ròng tuần qua của khối ngoại là VNM (-779,85 tỷ), POW (-459,23 tỷ) và HPG (-341,98 tỷ); ở chiều ngược lại họ mua ròng nhiều nhất FUEVFVND (+242,92 tỷ), PLX (+200,98 tỷ), DXG (+39,08 tỷ).

“Những phiên giao dịch trong biên độ nhỏ thể hiện cho trạng thái tâm lý yếu ớt của cả bên mua và bên bán. Đà bán ròng của khối ngoại cùng với áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới đang là hai nguyên nhân kìm hãm đà tăng của chỉ số VN-Index. Trong khi đó, lực cầu dường như đang thiếu đi động lực để có thể có những phiên bứt tốc như các phiên giao dịch trong tháng 2”, VNCSI phân tích.

Biến động ở những phiên cuối tuần

Theo VNCSI, xu hướng đi ngang trong vùng giá 1.150 – 1.200 của chỉ số VN-Index đã được kéo dài trong 3 tuần và rất có thể xu hướng này sẽ chấm dứt trong tuần này và mở ra một xu hướng mới trong ngắn hạn. Một cây nến đóng cửa ở phía trên hoặc phía dưới vùng giá này với thanh khoản cao sẽ là điểm xác nhận xu hướng tăng hoặc giảm trong giai đoạn sắp tới của chỉ số VN-Index.

“Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm về xu hướng đi ngang của thị trường trong giai đoạn hiện tại và khi mà mọi thứ chưa rõ ràng, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm tạm thời hạn chế giải ngân mới và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải. Chỉ xem xét giải ngân khi nhà đầu tư đang giữ lượng lớn tiền mặt và ưu tiên chọn những doanh nghiệp có nền giá không quá cao để giảm thiểu rủi ro nếu thị trường gặp phải sự điều chỉnh”, chuyên gia VNCSI khuyến cáo.

Còn theo ông Trần Xuân Bách, chuyên viên Phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần này, thị trường dự báo sẽ có diễn biến điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần. Vn-Index sẽ tiếp tục dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185-1.200 điểm và cận dưới 1.150-1.155 điểm. Vùng đỉnh 1.185-1.200 điểm vẫn được xem là vùng kháng cự mạnh về cả góc độ tâm lý và kỹ thuật đối với chỉ số ở thời điểm hiện tại.

“Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ vấp phải áp lực điều chỉnh trở lại khi tiếp cận vùng cản này. Cũng trong tuần này, hợp đồng tương lai tháng 3 đáo hạn và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs sẽ diễn ra vào hai phiên cuối tuần. Các sự kiến này có thể tạo ra biến động mạnh ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến diễn biến chung của thị trường”, ông Trần Xuân Bách dự báo.

Ông Trần Xuân Bách cho rằng, khoảng trống tăng giá được tạo thành trong phiên trước đó tương ứng vùng 1.170-1.177 điểm nhiều khả năng sẽ bị lấp đầy trong một vài phiên kế tiếp. Điều này phần nào hàm ý việc thị trường sẽ còn tiếp tục kéo dài diễn biến giằng co, đi ngang hiện tại.

“Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự giằng co và phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Về chiến lược đầu tư, nên duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50% cổ phiếu. Sau khi thực hiện mua trading tại vùng hỗ trợ 1.150-1.155 điểm, các nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế bán trading giảm tỷ trọng khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.185-1.200 điểm”, ông Trần Xuân Bách nêu quan điểm./.