ACB, TPBank khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP trên các đường link gửi qua tin nhắn SMS.
Trước tình trạng xuất hiện các tin nhắn lừa đảo được gửi đi từ đầu số mang thương hiệu ACB với nội dung “Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải bạn đang tiêu dùng vui lòng nhập vào https://v-acb.com để hủy thanh toán”, ngân hàng này khẳng định các yêu cầu cung cấp thông tin hoặc số OTP, mời bấm vào link đều là giả mạo.
Đại diện ACB đề nghị khách hàng cảnh giác trước các tin nhắn SMS mạo danh thương hiệu ngân hàng, chỉ giao dịch qua các kênh chính thức là ứng dụng di động và website online.acb.com.vn.
Trong khi đó, một số khách hàng cũng nhận được tin nhắn từ đầu số thương hiệu TPBank với nội dung giới thiệu một trang cá cược có tên Kim Long, mời gọi kiếm tiền 500 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Đại diện TPBank cho biết đã nhận được phản ánh của khách hàng về tình trạng trên và gửi công văn, báo cáo sự việc lên Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin Truyền thông, đề xuất cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi làm ảnh hưởng đến thương hiệu ngân hàng.
TPBank cho biết đã làm việc, yêu cầu các nhà mạng viễn thông, đối tác trung gian kiểm tra, có biện pháp xử lý sớm về việc này.
Ngân hàng đồng thời gửi email, tin nhắn thông báo đến khách hàng về hiện tượng lừa đảo bằng cách giả mạo thương hiệu. TPBank khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP trên các đường link gửi qua SMS.
“Đến nay chưa có khách hàng nào của TPBank bị mắc lừa bởi thủ đoạn trên và chịu thiệt hại về kinh tế”, đại diện ngân hàng thông tin.
Giai đoạn cận Tết Nguyên đán cũng là thời điểm nhiều thủ đoạn lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng rộ lên.
Mới đây, MBBank cũng vừa cảnh báo chiêu lừa đảo chiếm đoạt Digital OTP. Đây là phương thức xác thực giao dịch gắn liền theo thiết bị, ngăn chặn hành vi lừa đảo đăng nhập tài khoản và xác nhận giao dịch từ xa.
Nhưng gần đây, MBBank cho biết một số đối tượng lợi dụng cơ chế sao chép Digital OTP từ máy cũ sang máy mới để lừa khách hàng quét mã QR và cung cấp OTP nhằm đánh cắp Digital OTP sang máy của hacker để thực hiện giao dịch, chiếm đoạt tài sản.
Do đó, ngân hàng lưu ý khách hàng bảo mật thật kỹ thiết bị cài đặt Digital OTP. Khách hàng không nên root, jailbreak máy hoặc cài đặt các phần mềm nguy hại, có tính rủi ro cao như ứng dụng fake vpn, fake ip, remote điều khiển thiết bị từ xa, bẻ password wifi, bẻ password máy.
Song song đó, ngân hàng khuyến cáo không click các đường link nguy hiểm, có tính nghi ngờ cao, có tên miền lạ, không đáng tin cậy, không cung cấp OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Tuần qua, Techcombank cũng ghi nhận hiện tượng kẻ gian giả mạo email ngân hàng nhằm mục đích đánh cắp thông tin của người nhận. Đối tượng lừa đảo sử dụng email có tên là Tecombank để gửi đến người nhận, thông báo về việc một khách hàng khác gửi nhầm tiền đến tài khoản, đồng thời đính kèm một biểu mẫu chứa mã độc.
Khi khách hàng click vào file đính kèm, mã độc sẽ tự động được cài vào thiết bị, máy tính, từ đó có khả năng đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.
Ngân hàng này cho biết đây không phải là hiện tượng lừa đảo mới. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu thanh toán, mua sắm tăng cao, việc kẻ gian sử dụng tên ngân hàng làm tên email có thể khiến khách hàng hiểu lầm, dẫn tới cung cấp thông tin cá nhân, có thể bị khai thác cho mục đích xấu.
Do đó, khách hàng cần kiểm tra địa chỉ email người gửi, kiểm tra nội dung email để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Ngân hàng khẳng định không yêu cầu khách hàng xác nhận thanh toán hoặc giao dịch qua email.
Theo Việt Đức/Zingnews.vn