Categories Bất động sản

Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục trong quý II

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt trong quý II/2022 với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2022. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó lĩnh vực xây dựng có tốc độ tăng 3,65%, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,94%.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản trong quý II/2022 đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng bất động sản tồn kho mới; tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần… Thị trường bất động sản đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng.

Kết qua trên có được do một số chính sách mới và các văn bản chỉ đạo điều hành tác động đến thị trường bất động sản. Trong các tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản có tác động đến lĩnh vực bất động sản.

bo xay dung thi truong bat dong san quy ii2022 da co dau hieu hoi phuc va phat trien tot

Cụ thể là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị định số 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (thay thế Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015), trong đó quy định việc xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở thương mại hoàn thành là 24 dự án với 5.608 căn, số lượng dự án trong quý II bằng khoảng 109% so với quý I/2022 và bằng khoảng 70,6 % so với cùng kỳ năm 2021.

Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng trong quý II là 1.091 dự án với 327.125 căn, số lượng dự án bằng khoảng 89,7% so với quý I/2022 và bằng khoảng 97,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới trong quý II là 29 dự án với 6.753 căn, số lượng dự án bằng khoảng 74,4% so với quý I/2022 và bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tại miền Bắc có 17 dự án với 3.763 căn, tại miền Trung có 9 dự án với 678 căn, tại miền Nam có 3 dự án với 2.312 căn.

“Qua số liệu cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021”, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ.

Theo tổng hợp số liệu của các địa phương cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý II/2022 có 80 dự án với 27.160 căn được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, bằng 262% so với quý I/2022.

Có 69.079 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, với tổng lượng giao dịch bằng 340% so với quý I/2022 và bằng 230% so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá nhà ở và một số loại bất động sản, theo Bộ Xây dựng, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án ở khu vực xa trung tâm, như tại Hà Nội là dự án xpHOMES (huyện Đan Phượng) giá 29 triệu đồng/m2, dự án Gemek Premium (huyện Hoài Đức) giá 26 triệu đồng/m2…

Sản phẩm chủ đạo trên thị trường vẫn là các căn hộ phân khúc trung cấp. Tại Hà Nội, dự án Keangnam (quận Nam Từ Liêm) có giá khoảng 45 triệu đồng/m2, Melody Residences (quận Hoàng mai) có giá khoảng 45 triệu đồng/m2.

Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp tại các địa phương cho thấy giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc tập trung trong quý I/2022 chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II/2022. Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý II/2022 cũng có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại.

Trong quý II/2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% số đợt trong quý I; tương ứng với giá trị gần 8,6 nghìn tỷ đồng, giảm sâu tới 79% so với quý trước.

Cụ thể, tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu. Trong tháng 5, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong tháng 6, Vingroup dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản với 100 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).

Đánh giá tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm 2022 đều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu,… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Theo Hải Yến/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email