Phiên giao dịch ngày 26/7, thị trường chịu áp lực bán ngay khi mở cửa và tăng dần về cuối phiên sáng khiến VN-Index có thời điểm mất tới hơn 14 điểm. Tuy nhiên, sự phục hồi về lực cầu từ giữa phiên chiều đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm và dần tăng điểm trở lại.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 3,88 điểm (0,31%) lên 1.272,71 điểm; HNX-Index tăng 0,37% lên 302,88 điểm, duy nhất UPCoM-Index ghi nhận giảm 0,59% xuống còn 83,87 điểm.
Điểm đáng chú ý là sắc xanh ở nhiều cổ phiếu có vốn hoá lớn như GVR, FPT, VNM, MSN… đóng vai trò dẫn dắt đà tăng chung của thị trường. Trong đó, cổ phiếu bất động sản như VIC, VHM, NVL, NLG, PDR… tăng điểm tích cực là điểm sáng của thị trường trong phiên.
Bên cạnh đó, một số nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao khác như bảo hiểm, thực phẩm, dầu khí, vận tải, xây dựng… tăng điểm cũng góp phần hỗ trợ các chỉ số. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế ở một số nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn như ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, vật liệu xây dựng… cùng một số bluechipss như VCB, CTG, HPG, PLX, PNJ, VRE… đã khiến đà tăng không thể mở rộng. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 18.800 tỷ đồng.
Trong khi thị trường hồi phục, giao dịch khối ngoại đã không thực sự tích cực khi các nhà đầu tư tiếp tục có phiên bán ròng 94 tỷ đồng trong phiên. Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng hơn 3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị khoảng 71 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại trở lại bán ròng 59 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 7,5 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng 316,5 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 15,5 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 26/7, trong đó đáng chú ý là sự lao dốc của thị trường Trung Quốc trước các biện pháp thắt chặt quản lý của Chính phủ. Trong khi đó, thị trường Việt Nam khởi đầu khá tiêu cực khi các chỉ số chìm sâu trong sắc đỏ. Tuy nhiên, sự phục hồi về cuối phiên của nhiều nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh.
Về kỹ thuật, đại diện BOS cho biết, VN-Index hồi phục nhẹ trở lại sau phiên giảm sâu cuối tuần trước đã khiến một số chỉ báo như RSI, ROC, Stoch… cho tín hiệu về khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên sắp tới. Tuy nhiên, VN-Index đang tiến gần vào vùng kháng cự mạnh 1.280 – 1.300 điểm cùng với sự suy yếu của dòng tiền thể hiện qua chỉ báo MFI và CMF khiến khả năng sớm vượt qua vùng cản này không được đánh giá cao. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ xuất hiện các phiên rung lắc khi tiến vào vùng kháng cự trên. Vì vậy, nhà đầu tư ưu tiên duy trì tỷ lệ cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt trong danh mục, hạn chế mua đuổi khi thị trường tăng điểm.
Liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng phái sinh tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 26/7 khi hợp đồng F2108 tăng 7,1 điểm lên 1.408,1 điểm. Lực cầu hồi phục nhanh khi hợp đồng này giảm về vùng 1.380 điểm. Điểm basic hợp đồng này chuyển sang trạng thái dương 4,14 điểm cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn.
Trên thị trường cơ sở, chỉ số VN30-Index mặc dù có thời điểm giảm gần 17 điểm nhưng lực mua gia tăng dần đã giúp chỉ số này đóng cửa tăng hơn 2 điểm lên 1.403,96 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước đó cho thấy dòng tiền vẫn tỏ ra khá thận trọng. Chỉ báo MACD và chỉ báo Relative Strength Index vẫn chưa xuất hiện tín hiệu đảo chiều rõ ràng nên rủi ro vẫn đang hiện hữu. Nhiều khả năng, VN30-Index sẽ biến động giằng co trong vùng 1.380-1.430 điểm trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn nếu dòng tiền chưa có sự cải thiện. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên thực hiện chiến lược trading trong phiên, có thể mở vị thế LONG quanh vùng 1.400 điểm, đóng vị thế khi chỉ số lên sát vùng 1.420-1.430 điểm.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng