Categories Doanh nhân

Ba trụ cột chuyển đổi số nhìn từ Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương

Ba trụ cột chính để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, từ đó phát triển một cách bền vững bao gồm: Nhận thức của người lãnh đạo, đào tạo nguồn nhân lực và truyền thông thường xuyên.

Chuyển đổi số: thấy lợi nhưng sao không làm?

Bên cạnh câu chuyện về môi trường vẫn được nhắc đến lâu nay thì phát triển bền vững là một khái niệm mang tính bao trùm, trong đó, môi trường-sinh thái, văn hoá-xã hội và kinh tế là ba yếu tố quan trọng. Phó tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam Đỗ Mạnh Dũng cho rằng, đối với doanh nghiệp, phát triển bền vững không chỉ đơn giản về mặt môi trường mà còn là câu chuyện phát triển đi kèm tăng doanh thu hay tạo cảm xúc tốt cho người lao động…

Trong câu chuyện đó, ông Dũng nhấn mạnh, số hoá và tự động hoá đóng vai trò quan trọng. Chuyển đổi số, đặc biệt, mang lại nguồn lợi rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào cả các sáng kiến ứng dụng công nghệ hiện đại cũng như khả năng lãnh đạo.

Dẫn số liệu khảo sát được đưa ra trong cuốn sách Digitilize or Die (Số hoá hay bị tiêu diệt) của tác giả Nicolas Windpassinger tại sự kiện “Doanh nghiệp phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng”, ông Dũng cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tăng 9% về doanh thu, 26% về lợi nhuận và 12% về giá trị vốn hoá thị trường. Dù nhận thức được lợi ích rất lớn của chuyển đổi số nhưng trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp đầu tư cho việc này, hoặc nếu có tiến hành thì cũng chưa chắc thành công.

3 trụ cột chuyển đổi số nhìn từ Thaco của ông Trần Bá Dương
Ông Đỗ Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam

Nguyên nhân, theo ông Dũng, gồm nhiều yếu tố từ cả chủ quan đến khách quan. Với các yếu tố bên trong doanh nghiệp, công việc chuyển đổi số chưa thực hiện được là do thiếu nhạy bén, dễ tự mãn hay có văn hoá quá cứng nhắc.

Bên cạnh đó, sản phẩm lỗi thời, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hay vấn đề an ninh cũng là những trở ngại từ bên ngoài đến quá trình thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Việc thực hiện chuyển đổi số được nhìn nhận là có một sự tiếp cận đa chiều, mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn một hướng tiếp cận riêng, có thể là dựa trên web, điện toán đám mây, máy học…

Chẳng hạn, Schneider Electric đang triển khai dự án phòng điều khiển cập nhật mọi thông tin từ đầu vào đến đầu ra cho một số doanh nghiệp ở Việt Nam và trên thế giới. Hay công việc quản trị

 của lãnh đạo doanh nghiệp cũng trở nên dễ dàng hơn khi ứng dụng số hoá, thậm chí có thể quản trị ngay từ sân golf, mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng, số liệu minh bạch. Hoặc công nghệ ứng dụng thực tế ảo tăng cường cho các nhà máy cũng đã được ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.

Ba trụ cột chính cho chuyển đổi số thành công

Dù có những hướng đi khác nhau trong câu chuyện chuyển đổi số, song lãnh đạo Schneider Electric cho rằng có ba trụ cột chính được ví như kiềng ba chân cho việc chuyển đổi số thành công tại bất kỳ doanh nghiệp nào.

Trước hết là nhận thức của người lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không cam kết chiến lược, lộ trình, con người và không tạo được động lực thực hiện thì sẽ rất khó thành công. Theo đó, cần cam kết toàn diện, tạo động lực thúc đẩy nhân viên và chính bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm hướng đi.

Trụ cột thứ hai được ông Dũng đưa ra là việc đào tạo, nâng cấp lực lượng lao động trong tương lai để có thể đón nhận và áp dụng công nghệ. Nhân lực là một động lực rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.

Thứ ba là cập nhật công cụ và truyền thông thường xuyên, cần lan toả tinh thần số hoá cho toàn cán bộ nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp cũng như tới các doanh nghiệp khác.

Một tinh thần số hoá, tự động hoá ở Việt Nam có thể kể đến là tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco). Bên cạnh câu chuyện chiến lược, ông là người hiểu rõ và sao sát về các dự án số hoá, tự động hoá cũng như hoạt động của các nhà máy nhất trong công ty.

Với ông Dương, tâm thế là yếu tố được nhấn mạnh. Trong đó, tâm là cái bên trong, nếu đủ nguồn lực mà không có tâm cũng sẽ thất bại; còn thế là sự chuẩn bị sẵn sàng để làm. Ông cho rằng cần làm đúng, làm thật ngay từ đầu, phải xuất phát từ cái tâm thì mới thành công.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco

Từng chia sẻ với 1.000 doanh nhân và startup trong khu đô thị Đại Quang Minh hơn hai năm trước, Chủ tịch Thaco nhìn nhận, thách thức lớn nhất đối với lãnh đạo là làm sao cho đội ngũ nhân sự theo kịp sự phát triển của công ty. Chú trọng công tác đào tạo và tuỳ vào năng lực mỗi người để sắp xếp năng lực hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng.

Sau khi đã xây dựng được ba trụ cột chính để số hoá và tự động hoá, lãnh đạo Schneider Electric Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần chú ý đến một số vấn đề có thể ảnh hưởng như tầm nhìn công nghệ, tâm lý ngại thay đổi hay lãnh đạo nhiều cấp dẫn đến khó thông suốt về chính sách và quyết định. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng lưu ý, một mình doanh nghiệp không thể tự mình phát minh trí tuệ nhân tạo hay máy học…nên cần có đối tác đi cùng, cần có kế hoạch đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dà hạn để từ đó đầu tư hợp lý.

Dù có đủ nguồn lực để đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, số hoá và tự động hoá trong doanh nghiệp nhưng tỷ phú Trần Bá Dương cho biết vẫn đang nhận được hỗ trợ từ văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ), đặc biệt là trong dự án tự động hoá quá trình sản xuất nhíp ô tô tiến tới xây dựng nhà máy thông minh thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Theo lãnh đạo Thaco, dù tài trợ về kinh phí nhỏ so với đầu tư của doanh nghiệp nhưng sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước sẽ thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Đồng thời, là cơ hội để kết nối với các nhà khoa học trong nước, các viện, trường nhằm nghiên cứu có hiệu quả và cho ra các sản phẩm thương mại cũng như lan toả tinh thần số hoá đến các doanh nghiệp khác.

Mục tiêu của Thaco trong dự án này là ứng dụng công nghệ mới để nâng tỷ lệ tự động hóa quá trình sản xuất lên khoảng 70-80%, tăng 18% về sản lượng nhà máy, giảm 2% chi phí sản xuất trên mỗi sản phẩm, giảm thời gian dừng máy do các sự cố hỏng hóc bất ngờ xuống còn dưới 0,2% tổng thời gian vận hành lý tưởng.

Còn với đối tác, ông Dương quan niệm việc hợp tác với đối tác không phân biệt đối tác chiến lược hay đối tác thường: “Đất nước cho mình cơ hội phát triển thì mình phải có trách nhiệm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển. Nếu họ chưa đáp ứng được yêu cầu, mình phải giúp họ tiêu chuẩn tiêu chí để hoàn thiện”.

Với việc đổi mới và ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh ở Thaco nói chung, ông Dương cho biết phải tận dụng tối đa nguồn lực để đạt được mục tiêu cao nhất trong ngắn hạn và dài hạn. Lúc mới hình thành, Trường Hải làm phân phối ô tô, tiếp đến là mở thêm chuỗi hệ thống showroom bán lẻ, lắp ráp xe, sản xuất phụ tùng, nghiên cứu phát triển sản phẩm… tạo thành chuỗi giá trị khép kín với các phân khúc, chủng loại khác nhau từ xe con, xe tải và đặc biệt là xe bus do Thaco tự thiết kế, chế tạo.

Theo Đặng Hoa/TheLeader