Highlands Coffee dùng chiêu bài bảo vệ môi trường để lôi kéo người tiêu dùng?

Trong khi hô hào về lối sống xanh và bảo vệ môi trường bằng việc giảm rác thải nhựa, các cửa hàng của Highlands Coffee vẫn liên tục thải ra lượng lớn rác nhựa mỗi ngày. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, chuỗi café mới nổi này đang dùng chiêu bài bảo vệ môi trường để lôi kéo khách hàng và thu lợi nhuận, hơn là muốn hành động thực sự.

 Highlands Coffee ưu tiên ly nhựa

Chị H. là người kinh doanh, thường ghé vào quán Highlands Coffee ở quận 3 (TP.HCM) để làm việc trên máy tính. Như thường lệ, đầu tuần chị vào quán cũ và gọi một ly trà sen đựng trong ly sứ. Bất ngờ nhân viên phục vụ từ chối và giải thích hôm trước bỏ vào ly sứ đã bị quản lý trách mắng. Người phục vụ cho biết quán ra quy định mới là không được dùng ly sứ cho khách nữa. Chị H. bức xúc viết trên facebook: “Những quy định góp phần giết chết thế hệ con cháu mình sớm hơn à??”.

Người tiêu dùng bức xúc về chuyện bảo vệ môi trường nửa vời của chuỗi Highlands Coffee trên facebook.

Đây không phải là chuyện cá biệt xảy ra với mình chị H. Anh H.P là nhân viên văn phòng, hay ghé quán Highlands Coffee quen thuộc gần nhà ở quận 2 (TP.HCM) cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Sau khi anh H.P gọi một ly café và nhận được ly nhựa, anh có hỏi người phục vụ sao quán không chịu dùng ly sứ. Người phục vụ trả lời rằng, hệ thống của Highlands Coffee rất lớn nên không dùng ly thủy tinh được, còn ly sứ chỉ dành cho đồ nóng. Anh H.P cho rằng, sử dụng ly nhựa sẽ tiện dụng cho Highlands Coffee nhưng tác hại của rác nhựa thì họ không để ý. Vì vậy, anh cho biết sẽ tẩy chay những quán café nào dùng ly nhựa như Highlands Coffee.

Để xác nhận thêm sự lập lờ của chuỗi Highlands Coffee, chúng tôi ghé vào một cửa hàng của chuỗi này ở quận 5 (TP.HCM) và order vài ly café. Từ lúc khách vào cho đến lúc in ra hóa đơn, nhân viên phục vụ không nhắc gì đến chuyện ly nhựa hay ly sứ. Khi chúng tôi hỏi khách ngồi tại quán sao không dùng ly sứ, thì được trả lời phải đặt riêng. Tôi yêu cầu dùng ly sứ nhưng cũng rất khó khăn mới có, vì loại café vừa đựng không vừa ly sứ. Chúng tôi buộc phải chọn loại nhỏ để được dùng ly sứ.

Khách muốn dùng ly sứ tại cửa hàng Highlands Coffee cũng rất khó khăn. Ly sứ rất ít mà phải đặt riêng mới có.

Rõ ràng, Highlands Coffee đang dùng chiêu bài bảo vệ môi trường để lôi kéo khách hàng, nhằm làm đầy túi tiền của riêng mình chứ thực không quan tâm gì đến chuyện đã tự hô hào trước đó. Hồi cuối tháng 5/2019, chuỗi này kêu gọi khách hàng đến quán mang theo bình hoặc ly cá nhân để góp phần giảm thải rác nhựa. Đổi lại, khách hàng sẽ được ưu đãi tặng thêm sản phẩm.

Đến tháng 9/2019, Highlands Coffee cũng thực hiện một chiến dịch khác nghe có vẻ làm mát lòng người tiêu dùng, đó là tái chế ly nhựa thành lồng đèn trung thu để đem đi làm từ thiện. Vậy mà các cửa hàng của Highlands Coffee vẫn vô tư bắt khách hàng tiếp tay họ liên tục thải rác nhựa ra môi trường, trong khi hô hào đủ kiểu.

Lập lờ để lừa người tiêu dùng?

Ngoài số ly sành rất ít tại mỗi cửa hàng, hiện tại Highlands Coffee cũng chưa sử dụng bất cứ ly giấy nào. Nhiều người tiêu dùng cho rằng, cách làm của Highlands Coffee là khó chấp nhận được. Thu lợi nhuận từ người tiêu dùng Việt Nam, nhưng Highlands Coffee có vẻ coi thường khách hàng Việt khi nói một đằng làm một nẻo. Trong năm 2018, chuỗi Highlands Coffe đã thu từ người tiêu dùng Việt Nam 1.628 tỷ đồng, nhiều nhất trong số các chuỗi café có mặt tại Việt Nam, tăng trưởng hơn 30%.

Nguyễn Ngọc Huy Cường – Giảng viên Khoa Marketing, Trường Đại học Hoa Sen TP.HCM, nhận xét, có thể chiến dịch truyền thông vừa qua là do bộ phận marketing làm, nhưng các bộ phận khác không theo kịp. Cách làm của chuỗi café này hiện nay giống như đang đo lường sự chịu đựng của khách hàng và công chúng. “Chỉ đến khi khách hàng phản ứng mạnh mẽ và đồng loạt tẩy chay thì phía Highlands Coffee mới nghĩ đến vấn đề thay đổi thực sự?”, ông Cường đặt vấn đề.

Chỉ đến khi khách hàng phản ứng mạnh mẽ và đồng loạt tẩy chay thì phía Highlands Coffee mới nghĩ đến vấn đề thay đổi thực sự?

Nhiều thương hiệu đang lợi dụng các kẽ hở pháp lý ở Việt Nam để cố tình lấp liếm trong cách làm, mục đích cuối cùng vẫn là móc túi người tiêu dùng để thu về mức lợi nhuận lớn nhất có thể. Tuy đưa ra các chiến dịch marketing hướng đến sống xanh, bảo vệ môi trường rầm rộ nhưng thiếu thực tế trong cách làm của Highlands Coffee là một điển hình.

Theo ông Cường, cùng với việc tự dựng lên một hình ảnh đẹp về phong cách sống xanh và bảo vệ môi trường, nếu không thay đổi, Highlands Coffee sẽ sớm gặp “phản ứng phụ”. Nhẹ nhất là phản ứng đồng loạt của khách hàng, nặng hơn là làn sóng tẩy chay như với một số thương hiệu tiêu dùng trước đây.

HHLL
Trong năm 2018, chuỗi Highlands Coffee đã thu từ người tiêu dùng Việt Nam 1.628 tỷ đồng, nhiều nhất trong số các chuỗi café có mặt tại Việt Nam.

Hiện nay, người tiêu dùng phản ứng về cách làm bất nhất của Highlands Coffee mới chỉ trên mạng xã hội và rải rác. Có vẻ như Highlands Coffee thấy các làn sóng thưa thớt này chưa thể chạm đến túi tiền của họ nên họ vẫn tiếp tục lấp liếm người tiêu dùng? Nhưng một khi sóng đánh tràn bờ, người tiêu dùng hoặc khách hàng chịu đựng quá mức và đồng loạt tẩy chay, liệu chuỗi Highlands Coffee với hơn 300 cửa hàng tại Việt Nam có trở tay kịp? Khi ấy, liệu người tiêu dùng có còn tin vào một thương hiệu mang tầm quốc tế nhưng rắp tâm lừa dối người tiêu dùng bao lâu nay?

Theo Hoàng Yến/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email