Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (thuộc Bộ KH&ĐT) và quỹ đầu tư Do Ventures, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt kỷ lục vượt 1,5 tỷ USD.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ về cơ chế, chính sách cho đổi mới sáng tạo, điều này thể hiện trên bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), từ hạng 52/141 quốc gia và nền kinh tế năm 2015 đến hạng 44/132 năm 2021, giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Năm 2021 là năm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19 nhưng cũng là năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019, cùng sự xuất hiện của 2 “kỳ lân” công nghệ mới Momo và Sky Mavis.
Các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến đang nhận được sự đầu tư nhiều nhất. Tổng số giao dịch các thương vụ trên 10 triệu USD đã vượt mức 1 tỷ USD, tăng hơn 250% so với năm trước. Tổng giá trị đầu tư vào ngành tài chính và thương mại điện tử vượt 650 triệu USD. Ngoài ra mảng y tế cũng thu hút dòng tiền đầu tư lớn, hơn 132 triệu USD.
Cuối tháng 12 vừa qua, Momo – ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E), với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD. Tháng 3/2022, SoBanHang – ứng dụng quản lý dành cho các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ, lẻ bán hàng qua mạng – tiếp tục huy động vốn đầu tư thành công và nhận được 2,5 triệu USD từ FEBE Ventures, Class 5, Trihill Capital…
Tương tự, Mio – nền tảng thương mại xã hội – đã huy động được 8 triệu USD trong vòng gọi vốn series A. Kể từ vòng hạt giống từ tháng 5/2021 đến nay, Mio đã huy động được tổng cộng 9,1 triệu USD tiền đầu tư từ các quỹ như Jungle Ventures, Patamar Capital… Ngân hàng số Timo đầu năm nay cũng huy động được 20 triệu USD trong vòng gọi vốn dẫn dắt bởi Square Peg. Hay, Med247 – hệ thống phòng khám gia đình 4.0 có trụ sở tại Hà Nội – đã huy động thành công 4,5 triệu USD trong vòng series A từ Altara Ventures, Pavilion Capital, MiRXES…
Việt Nam đã bước sang năm thứ 7 kể từ thời điểm Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành. Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam cũng tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, kế tiếp là Việt Nam và Mỹ.
Dự báo, vốn đầu tư vào startup Việt năm 2022 có thể đạt 2 tỷ USD. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đã hoạt động tích cực tại Việt Nam không chỉ là quỹ có vốn đầu tư nước ngoài như IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, ESP Capital, Innovatube mà còn cả quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa đã được thành lập và hoạt động như: SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund, VPBank Startup, VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam…
Các quỹ đầu tư này sẵn sàng bỏ vốn nếu DN có nền tảng về nguồn vốn tự có, cũng như tính khả thi của dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Dự kiến, đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), và đến năm 2030 Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử. Việc các startup xuất hiện ngày càng nhiều và nở rộ tại Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh cho kinh tế số.
Theo Văn Trì/Chất lượng&Cuộc sống