Kín đơn hàng cho đến quý 3 năm nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đặt ra định hướng kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Số liệu mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, trong quý 1/2022, dệt may tiếp tục nằm trong tốp các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, khi đóng góp 8,84 tỷ USD cho kim ngạch chung của cả nước và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để ngành dệt may Việt Nam có thể hướng tới mốc 43 tỷ USD như mục tiêu đề ra từ đầu năm, cùng đó là nâng thị phần của dệt may Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), trong quý 1, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021 là nhờ nhu cầu tăng bật sau khi dồn nén bởi đại dịch COVID-19 và sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Đáng chú ý, thị trường Mỹ có mức tăng trưởng mạnh nhất, khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng gần 50% giá trị xuất khẩu hàng dệt may. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp dệt may lớn ở Việt Nam đã nhận được đơn đặt hàng cho đến cuối quý 3. Do đó, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt trong quý 1 và cả năm 2022.
VDSC cho rằng tiềm năng đơn hàng may mặc dồi dào có thể bù đắp áp lực chi phí đầu vào và kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của các công ty là tương đối phù hợp.
Các công ty bị ảnh hưởng nặng trong quý 3/2021 như Dệt may Thành Công, May Việt Tiến sẽ phục hồi mạnh vào năm 2022, trong khi các doanh nghiệp khác đã phục hồi vào năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ lượng đơn đặt hàng dồi dào.
Hơn nữa, các công ty bắt đầu vận hành nhà máy mới hoặc ghi nhận doanh thu đột biến từ mảng bất động sản vào năm 2022 cũng sẽ là chất xúc tác giúp các công ty này có kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng tích cực.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán BSC cũng cho biết, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn đặt hàng đến quý 2/2022, thậm chí sang quý 3/2022.
“Các thương hiệu thời trang lạc quan về triển vọng bán hàng khi nhu cầu mua sắm sau đại dịch tiếp tục tăng trưởng, cùng với xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam tiếp diễn sẽ đảm bảo giá trị đơn hàng tăng trưởng tích cực trong năm 2022”, báo cáo viết.
Xuất khẩu khởi sắc, đơn hàng nhiều, nhiều doanh nghiệp dệt may đặt ra định hướng kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm nay.
Theo CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) năm 2022 sẽ là năm khởi sắc của ngành dệt may Việt Nam và ông ty sẽ được hưởng lợi từ xu thế này.
Tại đại hội mới đây, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM cho biết, doanh thu quý 1 của công ty đạt hơn 1.081 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế hơn 69 tỷ đồng, tăng 17%.
Năm 2022, TCM đặt kế hoạch doanh thu 4.183 tỷ đồng và 253,8 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 76% so với năm trước.
Nói về tình hình dệt may thế giới, ông Tùng cho biết nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tổng cầu của 2022 và 2023 sẽ tương đương với 2019. Các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn nhất là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là ngành đang phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao.
Ngày 24/4 tới, Công ty CP Đầu tư và Thương mại (TNG) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Theo tài liệu được công bố, công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu năm 2022 đạt 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng; lần lượt tăng 10% và 20,2% so với thực hiện 2021. Cổ tức tối thiểu đạt 16%.
Trong vòng 5 năm tới, TNG kỳ vọng đạt mốc doanh thu 300 triệu USD (khoảng 6.900 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế 25 triệu USD (khoảng 575 tỷ đồng).
Đại diện của TNG cho biết, công ty sẽ tập trung mảng cốt lõi là may, bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng thị phần ở các thị trường mới nổi, doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thời trang TNG trong nước tới tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước và phân phối ra cả nước ngoài qua kênh thương mại điện tử.
TNG đã có bước khởi đầu thuận lợi khi ghi nhận doanh thu 1.258 tỷ đồng trong quý 1, tăng trưởng 38% so với cùng kỳ và hoàn thành 21% kế hoạch cả năm. Hiện đơn hàng công ty nhận được đã kín hết quý 3/2022. Đây là điều hiếm khi xảy ra với các doanh nghiệp ngành may trong những năm trước.
Hay như, Tổng công ty May 10 (mã chứng khoán M10) cũng đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 8,6%, song lợi nhuận kỳ vọng tăng trưởng tới 31,9%, tương ứng 120 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu hiện nay của May 10, thị trường xuất khẩu đóng góp tỷ trọng chủ yếu, với 80%. May 10 cho biết, trong năm nay, Công ty sẽ cố gắng cân bằng lại 3 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sau thời gian dịch bệnh nhiều biến động.
Tại thị trường nội địa, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, mở rộng thị phần, tập trung chính vào dòng thời trang công sở và ra mắt thêm các dòng sản phẩm mới.
Tương tự, Tổng CPCP May Việt Tiến (VGG), đặt kế hoạch tổng doanh thu và lãi trước thuế năm 2022 lần lượt đạt 6.500 tỷ đồng và 150 tỷ đồng, tăng 8% và 50% so với năm trước.
Theo VGG, đối với thị trường nội địa, công ty sẽ xây dựng phương án hoạt động của hệ thống kênh phân phối để phù hợp hình thức kinh doanh, bán sản phẩm trong tình hình mới, mục tiêu giải phóng nhanh hàng tồn kho. Ngoài ra, Công ty sẽ mở thêm các cửa hàng Việt Tiến House tại một số địa điểm trọng yếu toàn quốc và tiếp tục phát triển thêm các cửa hàng bán thương hiệu giày thể thao Nike tại TP.HCM và các tỉnh thành.
Với thị trường xuất khẩu, VGG sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đủ nguồn hàng sản xuất cho các đơn vị thành viên trong toàn hệ thống, tập trung sản xuất những đơn hàng đã được ký kết với các khách hàng bị lùi tiến độ do dịch bệnh phải ngừng sản xuất…
Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống