‘Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng: Bảo vệ các doanh nghiệp và nhà đầu tư’

Trong lĩnh vực thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thông điệp rõ ràng của Chính phủ là bảo vệ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển thị trường trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng tăng cường công khai, minh bạch.

‘Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng: Bảo vệ các doanh nghiệp và nhà đầu tư’ - Ảnh 1.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Cá nhân phải chịu trách nhiệm cá nhân. Còn tài sản doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là tài sản cá nhân; nó còn phải được coi là nguồn lực quốc gia, cần được bảo vệ trước những kẻ ‘đục nước béo cò’, tận dụng cơ hội kiếm chác và chiếm đoạt khi sự cố xảy ra. Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đây là những chia sẻ của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam  trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những “tâm điểm” của dư luận thời gian gần đây liên quan đến thị trường chứng khoán và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Phát triển thị trường chứng khoán là định hướng có tính nguyên tắc mà mọi nền kinh tế thị trường bình thường trên thế giới đều chú trọng. Đơn giản là vì đây là thị trường vốn quan trọng bậc nhất, là kênh lưu thông nguồn lực hàng đầu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thị trường chứng khoán được mệnh danh là thị trường mà “tiếng vo ve của con muỗi ở đầu vào sẽ trở thành tiếng bom ở đầu ra”. Nếu không có những giải pháp kịp thời, mạnh và đúng để giữ lòng tin thị trường thì nguy cơ sẽ rất khó lường.

Để ngăn chặn nguy cơ “khuyếch đại” tác động tiêu cực, tranh thủ “đục nước béo cò”, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp mạnh và kiên quyết đối với những sai phạm trong hoạt động giao dịch chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, tác động tiêu cực và nguy cơ lan rộng, gây bất ổn thị trường và tổn thất tài sản cho doanh nghiệp.

Chỉ đạo của Thủ tướng, thể hiện rõ qua các công điện “khẩn”, cho thấy cách tiếp cận vấn đề kiên quyết, làm rõ tình thế, vấn đề, trách nhiệm và chỉ đạo phối hợp hành động. Các công điện nêu rõ thông điệp: Xử lý vụ việc đúng người, đúng tội, không quy kết sai phạm cá nhân và tạo tình thế “tát nước theo mưa”, gây tổn hại cho doanh nghiệp và làm bất ổn môi trường kinh doanh.

Đây là cách tiếp cận tích cực, giúp khôi phục và củng cố lòng tin thị trường, doanh nghiệp đối với hoạt động điều hành của Chính phủ.

‘Trong sạch hóa’, ‘đàng hoàng hóa’ thị trường

Vừa qua, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng vì những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gây chú ý của dư luận. Ông bình luận như thế nào về hai vụ việc này?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Như chúng ta thấy, không chỉ hai Chủ tịch Tập đoàn bị bắt. Sau đó, cơ quan chức năng còn bắt thêm hàng loạt đối tượng khác. Những sai phạm này đã tạo hiệu ứng thị trường tiêu cực, gây lo ngại trong cộng đồng kinh doanh, bởi nhiều người đánh giá cho rằng hoạt động của hai thị trường này có nhiều tiêu cực và hiện đang đứng trước xu thế bất ổn gia tăng.

Đây là phản ứng tự nhiên của thị trường, nhất là khi các vụ việc chưa được giải trình rõ, lại được dư luận thông tin, bình luận theo các hướng khác nhau.

Nhưng cần phải nhìn tác động này cả từ một khía cạnh khác. Đặt trong xu thế chung là lòng tin của xã hội, của doanh nghiệp đối với cách điều hành vĩ mô của Chính phủ trong chống dịch, phục hồi kinh tế và niềm tin đặt vào cộng đồng doanh nghiệp Việt…  đang tăng lên. Thông qua các sự kiện này, dường như xã hội đang định hình rằng việc bắt giam một số doanh nhân phạm luật là những hành động khởi đầu cho quá trình làm “sạch” môi trường kinh doanh, công khai, minh bạch như kỳ vọng.

Quan sát hoạt động của Chính phủ, đặc biệt là trong hai năm gần đây, có cơ sở để nhận định rằng việc xử lý các vụ việc cổ phiếu và trái phiếu mà Chính phủ đang làm là những hành động khởi động cho quá trình làm “trong sạch hóa”, “đàng hoàng hóa” môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Một cách khách quan, Chính phủ cần coi đây là cơ hội để rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách, phát hiện những điều còn sơ hở, chưa chuẩn, dễ tạo thành “bẫy” và dễ bị “lách”, hoặc những điểm xung đột chính sách để thay đổi, hoàn thiện, chứ không chỉ là trừng phạt các hành vi và cá nhân sai phạm.

Thị trường chứng khoán là kênh cung ứng vốn quan trọng bậc nhất

Sau 2 vụ việc trên, chắc hẳn tâm lý của các nhà đầu tư có phần lo lắng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những xáo trộn của thị trường chỉ là tạm thời và thị trường chứng khoán vẫn là kênh quan trọng trong huy động vốn. Cơ sở nào để khẳng định điều đó, thưa ông?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Lâu nay, việc cung ứng vốn của chúng ta gặp nhiều rủi ro, trong đó, có rủi ro do “sai lệch kỳ hạn” trong hoạt động tín dụng khi dùng vốn vay ngắn hạn để cho vay trung – dài hạn. Căn nguyên của tình trạng này là do hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế kinh tế chủ yếu dựa vào kênh tín dụng ngân hàng.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán là kênh cung ứng vốn quan trọng bậc nhất cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư dài hạn. Thị trường này “bổ khuyết” cho thị trường tín dụng ngân hàng – là kênh chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn. Đó là lý do để việc phát triển thị trường chứng khoán luôn được các nước đi theo kinh tế thị trường dành sự quan tâm đặc biệt.

Việt Nam đang trên con đường đó. Nhưng, trong nỗ lực chuyển đổi và phát triển nhanh nền kinh tế thị trường, khó tránh khỏi những va vấp, nhất là đối với các thị trường bậc cao, phức tạp và tinh vi như thị trường chứng khoán.

Điều đó có nghĩa là dù có những trục trặc xảy ra, phải khẳng định thị trường chứng khoán ở Việt Nam vẫn cần được thúc đẩy phát triển mạnh, cần được bảo vệ, để cùng với hệ thống ngân hàng, trở thành yếu tố bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hiệu quả nhất.

Tính đầu cơ cao là đặc điểm cố hữu của thị trường chứng khoán, có khả năng gây rủi ro cao,  cơ quan quản lý phải đặc biệt chú ý đến đặc điểm này, để có các giải pháp đồng bộ, chặt chẽ, mang tính chế tài có hiệu lực cao.

Thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp cần được đặt trong một hệ thống quản trị chặt chẽ, mang tính công khai, minh bạch cao ngay từ đầu. Đó chính là cách kiểm soát để giảm thiểu rủi ro kinh điển. Nếu không, nền kinh tế dễ lâm vào bất ổn, kém hiệu quả, bị tổn hại nghiêm trọng; còn doanh nghiệp lẫn những nhà quản lý nó, dễ “lâm nguy”, khó được bảo vệ.

Những “sự cố” cổ phiếu và trái phiếu xảy ra vừa qua là dịp để chúng ta rà soát lại các vấn đề liên quan đến các thị trường này, đến cấu trúc hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng và của hệ thống pháp luật liên quan.

Những chỉnh sửa, hoàn thiện, đổi mới hệ thống trên cơ sở đó sẽ giúp các kênh kết nối thị trường vốn giảm thiểu tình trạng bị hoạt động đầu cơ – thao túng hay các mối quan hệ “sân sau” gây những cú sốc rủi ro cho nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

‘Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng: Bảo vệ các doanh nghiệp và nhà đầu tư’ - Ảnh 2.
Thị trường chứng khoán “bổ khuyết” cho thị trường tín dụng ngân hàng, bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hiệu quả nhất.

Không làm tổn hại đến tài sản doanh nghiệp

Bên cạnh kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên tiếp có các Công điện liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ông đánh giá như nào về các biện pháp, hành động của Chính phủ để quản lý một lĩnh vực được đánh giá là còn rất mới này?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đã đến lúc, chúng ta không nên coi thị trường chứng khoán và cả trái phiếu doanh nghiệp là những thứ còn quá “mới mẻ” đối với Việt Nam, coi đây là một luận cứ biện minh cho những sai phạm và yếu kém hệ thống. Phải thẳng thắn nhìn nhận việc tiếp cận phát triển các thị trường này còn thiếu bài bản, chưa đủ quyết liệt, chưa thật “thành tâm” xây dựng một hệ thống thị trường bậc cao đúng nghĩa, lành mạnh và nhanh như yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.

Trong tình thế đó, đối với các vụ việc vừa qua, Chính phủ đã nỗ lực hành động nhanh, bình tĩnh và quyết đoán. Một phần rất quan trọng là nhờ Chính phủ đã rút kinh nghiệm từ các sự số thị trường xảy ra trước đây để xử lý đúng cách lần này, giúp ngăn chặn khá kịp thời xu hướng hoảng loạn.

Trong tình thế nền kinh tế còn khó khăn, các doanh nghiệp còn khá “ốm yếu” sau dịch COVID-19, nếu phản ứng của Chính phủ không dứt khoát, không mạnh mẽ, không rõ ràng, sẽ khó mà ngăn chặn xu thế kích phát tiêu cực của thị trường, kích thích các suy đoán và tâm lý bất ổn trong xã hội.

Về nội dung hành động, Chính phủ đã đi đúng hướng giải quyết các vấn đề đang “bất yên” của thị trường. Điển hình như vụ đấu giá đất bất thường ở Thủ Thiêm, Chính phủ đã không đánh giá thấp tác động tiêu cực của nó, không coi đây là một vụ việc nhỏ, đã bình tĩnh nhận diện để có phản ứng kịp thời và đúng hướng.

Hay việc bắt giữ một số nhân vật có những hành vi trái luật, làm rối thị trường cũng vậy. Chính phủ đã sớm có thông điệp rõ ràng về xử lý nghiêm tội phạm và yêu cầu bảo vệ thị trường, tạo tác động tích cực và lan tỏa mạnh.

Tôi đánh giá cao thông điệp “không được làm tổn hại tài sản doanh nghiệp”. Đây là định hướng rất quan trọng vì “lãnh đạo doanh nghiệp” và “doanh nghiệp” là những thực thể có vai vế khác nhau trong đời sống kinh tế. Cá nhân phải chịu trách nhiệm cá nhân. Còn tài sản doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là tài sản cá nhân; nó còn phải được coi là nguồn lực quốc gia, cần được bảo vệ trước những kẻ “đục nước béo cò”, tận dụng cơ hội kiếm chác và chiếm đoạt khi sự cố xảy ra.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực vượt thoát các khó khăn do dịch bệnh gây ra, định hướng hành động đó chắc chắn sẽ khiến cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế tư nhân tin tưởng hơn vào hoạt động điều hành vĩ mô của Chính phủ.

Tuy nhiên, định hướng hành động đó phải được quán triệt nhất quán trong các chính sách và trong hoạt động của các bộ ngành và cơ quan Chính phủ, để bảo đảm sự thống nhất, tránh tình trạng mỗi bộ phận đều hành động “theo chức năng”, thiếu phối hợp, không tính đến lợi ích chung, tổng thể, không tính đến hậu quả mà các lĩnh vực khác của nền kinh tế phải gánh chịu.

Không thể vì một vài trường hợp phạm luật, lách luật mà vùi dập thị trường

Vậy ông có góp ý, đề xuất giải pháp gì để thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh không? Lời khuyên đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện nay là gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Về phía Chính phủ, tôi cho rằng vẫn cần kiên định lập trường “xử lý vụ việc đúng người, đúng tội”, nêu cao tinh thần bảo vệ tài sản doanh nghiệp như tài sản, nguồn lực của đất nước, giảm thiểu xu hướng hình sự hóa sai phạm dân sự, hành chính hóa các nguyên tắc kinh doanh. Đồng thời, phải nỗ lực minh bạch hóa môi trường kinh doanh, đơn giản hóa nhưng cũng nghiêm minh hóa hành lang pháp lý. Qua đó, để bảo vệ các nhà đầu tư, coi họ là nguồn lực quốc gia.

Hiện nay, chính sách tiền tệ đang chịu “tải” quá lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm ổn định vĩ mô. Quá tải thì dễ gây ra rủi ro. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy chính sách tiền tệ “quá tải” thì khả năng “trục trặc”, “đổ bể” càng cao. Nó cần phải được “giảm tải”.

Nhưng ở một vế khác, trong khu vực chức năng “cho vay bất động sản” hiện nay, chính sách tiền tệ lại cần có độ mềm dẻo, linh hoạt. Một sự “thắt chặt tiền tệ” trên toàn tuyến của thị trường bất động sản có thể gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Bất động sản không chỉ có mảng “đầu cơ tạo sóng”. Nó bao gồm hoạt động tạo nền tảng cho phát triển, như bất động sản công nghiệp, bất động sản đô thị, bất động sản du lịch. Đây là là những khu vực động lực của phát triển, đặc biệt quan trọng cho công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch hiện nay.

Cần có sự phân biệt cụ thể các loại thị trường bất động sản để có hỗ trợ hay kiềm chế tín dụng thích đáng. Nên nhớ rằng việc “siết chặt tiền tệ” toàn diện quá mức năm 2011 – 2012 đã không mang lại ổn định cho nền kinh tế. Ngược lại, nó khiến nền kinh tế “nghẹt thở”, rơi vào bất ổn và suy giảm tăng trưởng kéo dài.

Một điểm nữa là phải coi trái phiếu doanh nghiệp là công cụ huy động vốn hữu hiệu để phát triển kinh tế. Chúng ta vẫn đang trong quá trình “chuyển đổi”, hành lang pháp lý cho các thị trường quan trọng này chưa đầy đủ. Do đó, đã có những “trục trặc hệ thống” chứ không đơn thuần chỉ là “tội” của một số doanh nhân “lách luật”. Khi quy định pháp luật sơ hở, sẽ có người lợi dụng để “lách”. Chính phủ cần nghiên cứu, phát hiện “kẽ hở luật” để “rào” lại, đồng bộ hóa chúng thay vì chỉ tìm và trừng phạt những người “lách” luật.

Có nghĩa là cần phải có thái độ “chuyển đổi cơ chế” đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Không thể vì một vài trường hợp phạm luật, lách luật mà vùi dập thị trường này. Chính phủ đang đặt mục tiêu không chỉ phục hồi mà cả phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, không được tiếp tục phát huy, để doanh nghiệp cảm thấy có một kênh tiếp cận để tận dụng thời cơ vừa được mở ra lại sắp bị đóng lại thì nền kinh tế mất một kênh huy động vốn lớn và hiệu quả. Đó thật sự là một thiệt hại ghê gớm cho nền kinh tế.

Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là bảo vệ các nhà đầu tư, củng cố hệ thống thể chế pháp luật theo hướng minh bạch. Mong rằng tinh thần đó sẽ được triển khai mạnh mẽ, cụ thể và phối hợp chặt chẽ ở tất cả các ngành.

Đối với các nhà đầu tư, tôi cho rằng không nên quá lo lắng. Bình tĩnh để sáng suốt là điều tối cần thiết lúc này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hoàng Giang/baochinhphu.vn