Mất gần 14 điểm, VN-Index tiếp cận điểm chốt dưới của xu hướng dài hạn

Thị trường chứng khoán trong nước ngày 15/4 tiếp tục giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Đà giảm diễn ra trên diện rộng khi toàn thị trường có 749 cổ phiếu giảm trong đó có tới 66 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá sàn. Mức giảm mạnh tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip và midcap, đây cũng là phiên lượng cổ phiếu bắt đáy T+3 về tài khoản và nhiều cổ phiếu bắt đáy không thành công.

Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 13,56 điểm (-0,92%) còn 1.458,56 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 24,27 điểm (-1,60%) xuống 1.493,74 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, sàn HSX có 145 mã tăng/321 mã giảm, ở rổ VN30 có 7 mã tăng và 22 mã giảm.

Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 1,38% và 0,89%.

mat gan 14 diem vn index tiep can diem chot duoi cua xu huong dai han
Chỉ số VN-Index giảm 13,56 điểm (-0,92%) còn 1.458,56 điểm.

Các cổ phiếu lớn gây sức ép lên thị trường phiên này là: BID (- 2,96%), TCB (-3,59%), VHM (-1,66%), VPB (-2,53%), VCB (- 0,99%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: GAS (+3,14%), GVR (+4,20%), BVH (+6,88%), BCM (+2,86%), REE (+6,10%)…

Thanh khoản khớp lệnh sàn HSX đạt 20.796 tỷ đồng, tăng so với mức 17.239 tỷ đồng ở phiên hôm qua và thấp hơn mức bình quân 24.400 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 660 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 730 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Khối ngoại trở lại mua ròng hơn 110 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung ở các cổ phiếu như: VPB, CTG, DPM, CII, GEX… Ở chiều ngược lại, HPG, SSI, VND, TPB, YEG… là những cổ phiếu bị bán ròng trong phiên này.

Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, thị trường tuy điều chỉnh nhưng vẫn nằm trong xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay với dùng dao động từ 1.440 điểm đến 1.500 điểm. Nhà đầu tư vẫn tìm kiếm cơ hội ở những nhóm cổ phiếu riêng lẻ. Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của giá hàng hóa và năng lượng như dầu khí, phân bón, cao su, thủy sản, dệt may… vẫn thu hút được dòng tiền vào. Vì vậy, việc tham chiếu vào chỉ số lúc này có thể bị nhiễu.

“Với diễn biến như vậy, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu nhỏ và các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa”, đại diện MBS nhận định.

Một số ý kiến khác thì cho biết, kịch bản của phiên giao dịch hôm qua lặp lại khi phiên sáng giao dịch tích cực nhưng lại suy yếu dần về cuối phiên. Hàng loạt cổ phiếu tăng điểm vào phiên sáng bất chợt sụt giá mạnh vào phiên chiều. Lực bán trải rộng ra toàn bộ các nhóm cổ phiếu từ penny, midcap và đặc biệt là bluechip.

Phiên sáng có tới 28/30 mã thuộc VN30 tăng điểm thì chốt phiên chỉ còn 8 mã không mang sắc đỏ. Tâm điểm của đà giảm vẫn là nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản khi BID, HDB, MBB, TCB, TPB, VPB đều giảm trên 2,5%; HCM, VCI, SSI giảm trên 4,5%; DIG, LDG giảm sàn.

Sự phân hóa thể hiện rõ khi một số nhóm vẫn duy trì đà tăng điểm ấn tượng như bảo hiểm, cao su, dệt may, công nghệ, ga, nước với các đại diện BVH, MIG, GAS, BWE, VGI, CMG, PHR, DRI, STK, GIL.

Về kỹ thuật, VN-Index tiếp tục giảm điểm nhưng vẫn nằm trong phạm vi cây nến hồi phục cách đây 2 phiên. Sự phân hóa vẫn diễn ra giữa nhiều nhóm ngành cho thấy xu hướng đi ngang còn tiếp diễn. Tuy nhiên, điểm số đã tiếp cận tới ngưỡng hỗ trợ cuối cùng của kênh tăng giá dài hạn kéo dài từ tháng 3.2020 tới nay ở vùng 1.450 điểm.

Với việc khối lượng bắt đáy trong tuần quá thấp, chỉ bằng 60% so với mức trung bình 20 tuần cho thấy rủi ro trong việc thiếu vắng dòng tiền lớn để nâng đỡ chỉ số.

Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng

Print Friendly, PDF & Email