Áp lực bán tăng vọt trong nhóm các cổ phiếu ngành Ngân hàng như VCB, TCB, VPB, CTG, ACB, MBB… thậm chí VIB còn giảm hết biên độ đã tạo áp lực lớn cho các chỉ số.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngày 14/7 đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, áp lực từ lượng hàng T+3 sẽ về tài khoản trong phiên ngày mai cũng khiến nhà đầu tư cắt lỗ khi chỉ số VN-Index có thời điểm xuyên qua mức thấp nhất ở phiên 12/7. Tín hiệu tích cực là khối ngoại mua ròng mạnh và nhịp hồi cuối phiên giúp chỉ số VN-Index lấy lại ngưỡng MA100.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 17,63 điểm xuống 1.279,91 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 30,57 điểm còn 1.410,30 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 138 mã tăng/234 mã giảm, ở rổ VN30 có 6 mã tăng, 22 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản thị trường đã tăng so với phiên hôm trước nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng bình quân 15 phiên, giá trị khớp lệnh phiên này đạt hơn 17.052 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn biến tích cực khi mua ròng trở lại với giá trị khớp lệnh gần 300 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, thị trường đã giảm 4/5 phiên vừa qua, sau nhịp bắt đáy vòng đầu tiên không thành công, nguy cơ cắt lỗ khi lượng hàng T+3 về tài khoản vào phiên ngày mai ở phiên khớp lệnh kỷ lục khả năng cao sẽ tiếp tục bị tổn thất cao.
“Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang ở gần vùng hỗ trợ MA100 và mức đáy phiên 12/7, trong trường hợp vùng hỗ trợ này bị xuyên qua sẽ kích hoạt thêm một nhịp bán mạnh. Do đó, nhà đâu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá”, đại diện MBS khuyến cáo.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, mặc dù sắc xanh được duy trì sau phiên ATO nhưng áp lực bán tăng vọt trong khi lực cầu suy yếu khiến thị trường nhanh chóng chìm sâu trong sắc đỏ. VN-Index có thời điểm đã mất gần 33 điểm. Tuy nhiên sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechips như VRE, KDH, BID, VNM, MSN, VIC, VHM… vào cuối phiên đã giúp VN-Index kết thúc thu hẹp đà giảm chỉ còn gần 18 điểm.
Áp lực bán tăng vọt trong nhóm các cổ phiếu ngành Ngân hàng như VCB, TCB, VPB, CTG, ACB, MBB… thậm chí VIB còn giảm hết biên độ đã tạo áp lực lớn cho các chỉ số. Thêm vào đó, hàng loạt các nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như: chứng khoán, bán lẻ, bảo hiểm, vật tải, vật liệu xây dựng, dầu khí, bất động sản… giao dịch trong sắc đỏ cũng khiến thị trường giảm điểm mạnh.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước nhưng vẫn giảm khá mạnh so với giai đoạn trước với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 22.200 tỷ đồng.
Điểm tích cực là dòng vốn ngoại chưa có thấy dấu hiệu dừng gom hàng khi các nhà đầu tư tiếp tục mua ròng 325,2 tỷ đồng trong phiên. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại đã mua ròng 326,54 tỷ đồng tập trung vào các mã HPG (157,3 tỷ đồng) và VHM (145,4 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng VPB 125,6 tỷ đồng, tiếp đến là VCB với 57,8 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản như NVL và KBC cũng ghi nhận lượng bán ròng khá mạnh. Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 1,32 tỷ đồng, còn trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng nhẹ gần 28,5 triệu đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, lạm phát Mỹ tăng nhanh khiến các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên hôm nay. Thị trường Việt Nam cũng có phiên giảm điểm khá mạnh sau phiên hồi phục nhẹ hôm trước. Tâm lý thận trọng làm suy giảm lực cầu trong khi áp lực bán vẫn ở mức cao khiến sắc đỏ bao trùm hầu hết các nhóm ngành.
Về kỹ thuật, BOS cho biết, VN-Index đang được hỗ trợ tích cực ở vùng 1.260-1.270 điểm khi xuất hiện phản ứng hồi ở vùng này. Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật như MACD, RSI, MFI, ROC, Stoch… cho tín hiệu về xu thế điều chỉnh còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Mặc dù, vùng hỗ trợ 1.260-1.270 điểm vẫn đang tạo điểm đỡ trong ngắn hạn cho chỉ số nhưng nếu vùng này bị phá vỡ trong phiên ngày mai, kịch bản giảm sâu hơn về vùng 1.200-1.220 điểm cần được lưu ý. Nhà đầu tư được khuyến nghị chưa nên giải ngân bắt đáy, ưu tiên tăng cường quản trị rủi ro, hạ tỷ lệ margin của danh mục và tránh mua mới để bình quân giá.
Liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, cả 4 hợp đồng phái sinh đều chìm trong sắc đỏ khi chỉ số cơ sở tiếp tục lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 14/7. Hợp đồng F2107 giảm 37,9 điểm xuống 1.409 điểm trước áp lực bán có phần áp đảo trong phiên chiều. Các lệnh Short khi thị trường hồi phục tiếp tục mang lại vị thế tốt hơn cho nhà đầu tư. Biên độ biến động của hợp đồng này trong phiên khá lớn khiến hoạt động trading trong phiên trở nên khó khăn hơn.
Trên thị trường cơ sở, chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm hơn 30 điểm về 1.410,3 điểm. Chỉ báo Relative Strength Index và MACD đều đang cho tín hiệu phân kỳ giá xuống. Vì vậy, khả năng chỉ số tiếp tục điều chỉnh vẫn chưa kết thúc. Vùng 1.350 điểm tại ngưỡng Fibonacci Retracemrnt 23,6% sẽ là vùng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số nếu chỉ số phá vỡ vùng 1.380-1.390 điểm. Các chuyên gia chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường, có thể mở vị thế Short nếu vùng này bị phá vỡ.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng