Thị trường chứng khoán trong nước ngày 12/7 có thêm phiên giảm mạnh kể từ đầu tháng 7, áp lực giảm diễn ra trên diện rộng bất chấp chứng khoán khu vực hồi phục và khối ngoại mua ròng mạnh mẽ. Đáng chú ý là thanh khoản lập kỷ lục sau chuỗi giảm hơn 155 điểm (tương đương giảm gần 11%) kể từ đỉnh ngắn hạn.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 50,84 điểm xuống 1.296,3 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 51,33 điểm còn 1.443,1 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 36 mã tăng/374 mã giảm, ở rổ VN30 có 4 mã tăng, 26 mã giảm và 0 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản thị trường được đẩy lên mức cao so với phiên hôm trước, giá trị khớp lệnh đạt hơn 29.049 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi các nhà đầu tư tiếp tục mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 1.425 tỷ đồng.
Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, sau khi giảm hơn 73 điểm ở tuần trước, thị trường đã có lúc giảm gần 77 điểm trong phiên trước khi có lực cầu bắt đáy vào thị trường ở cuối phiên chiều. Chỉ số VN-Index đã mất 155 điểm kể từ đỉnh, tương đương mức điều chỉnh giảm gần 11% nên đã kích hoạt lực cầu bắt đáy ở những phút cuối phiên, giúp đẩy thanh khoản thị trường lên mức kỷ lục mới, đặc biệt là một số cổ phiếu trong rổ VN30.
“Về kỹ thuật, chỉ số VNIndex đang có vùng hỗ trợ ở 1.257-1.267 điểm. Nhà đâu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá”, đại diện MBS khuyến nghị.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, áp lực bán tăng vọt ngay từ đầu phiên đã khiến VN-Index lao dốc mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Có thời điểm, VN-Index đã mất tới hơn 77 điểm với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn.
Dù lực cầu phục hồi nhẹ vào cuối phiên, một số cổ phiếu bluechips như MSN, VJC, MWG tăng điểm nhưng cũng chỉ giúp VN-Index thu hẹp đà giảm hơn 51 điểm khi kết thúc phiên. Tác động tiêu cực nhất tới thị trường là sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán, thậm chí hàng loạt cổ phiếu trong ngành này như CTG, VPB, ACB, HCM, FTS, AGR, BSI… đóng cửa ở mức giá sàn.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm cổ phiếu có vốn hóa cao như bất động sản, vật liệu xây dựng, bảo hiểm, vận tải, xây dựng… cũng bị bán khá mạnh khiến thị trường không nhận được nhiều sự hỗ trợ. Thanh khoản tăng khá mạnh so với các phiên trước với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 37.200 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết, các thị trường lớn tại châu Á đồng loạt hồi phục mạnh mẽ sau khi NHTW Trung Quốc giảm 50 điểm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam có phiên giao dịch ngược chiều khu vực khi lao dốc mạnh. Áp lực bán tăng vọt khi nhà đầu tư thận trọng trước tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp. Điểm tích cực trong phiên là khối ngoại có phiên mua ròng khá mạnh với tổng giá trị mua ròng cả 3 sàn đạt hơn 1.420 tỷ đồng.
Về kỹ thuật, BOS cho biết, VN-Index tiếp tục giảm sâu, phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm và MA(50). Các chỉ báo kỹ thuật như MACD, RSI, MFI, ROC… đều cho thấy xu thế giảm ngắn hạn của chỉ số chưa kết thúc. Tuy nhiên, đồ thị chỉ số hình thành hình thái nến giảm có thân nến dài và bóng nến dài nằm hoàn toàn bên dưới, kết hợp với việc đồ thị chỉ số cắt qua đường giới hạn dưới của dải băng Bollinger khiến khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật trong các phiên tới.
“Nhiều khả năng, VN-Index sẽ hồi phục trở lại vùng 1.300-1.331 điểm trong các phiên tới trước khi tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn. Nhà đầu tư ưu tiên quan sát thị trường, cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục trong các phiên tăng điểm của thị trường”, đại diện BOS khuyến nghị.
Công ty CP Chứng khoán SSI thì cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP.Hồ Chí Minh và thông tin thắt chặt các các dịch vụ không thiết yếu tại Hà Nội từ 0h ngày 13/7 khiến cung giá thấp tiếp tục kích hoạt trong phiên đầu tuần. Với sắc đỏ là trạng thái chủ đạo, VN-Index ghi nhận mức thấp nhất trong phiên tại quanh 1.270 điểm, sát với vùng hỗ trợ mạnh EMA100.
Lực cầu được kích hoạt quanh vùng hỗ trợ kể trên giúp VN-Index dần trở nên cân bằng trước khi thu hẹp đà giảm vào giai đoạn cuối ngày. Chỉ số đóng cửa tại mức 1.296,3 điểm (-3,77%), tương ứng với vùng điểm cuối tháng 5/2021 của chỉ số. VN30 Index mặc dù kết phiên cũng giảm mạnh -3,4% tuy nhiên nhịp hồi phục cuối phiên giúp chỉ số đóng cửa quanh mức 1.443,1 điểm, sát với hỗ trợ mạnh EMA50 (1.446,56 điểm).
Sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường với 317 mã giảm, vượt trội so với 40 mã tăng. Tuy nhiên vẫn xuất hiện nhiều mã cổ phiếu nỗ lực đi ngược xu thế chung, trong đó đáng chú ý có MWG. Cổ phiếu có thời điểm giảm mạnh trong phiên (-4,3%) tuy nhiên vẫn đóng cửa trên tham chiếu (+0,1%), qua đó duy trì trạng thái tích cực kéo dài kể từ cuối tháng 6. Cùng ngành với MWG, FRT đóng cửa cũng tăng tốt +3,6%.
Tại nhóm Tiêu dùng, MSN tăng trở lại +2,6% trong khi nhóm Dầu khí chứng kiến PVD và PVS giao dịch khởi sắc sau chuỗi ngày thận trọng. PVD và PVS tăng tương ứng +2,7% và +3,8%. Một số cổ phiếu khác vẫn đóng cửa tăng giá trong phiên hôm nay có thể đến như NVL (+1,5%), VJC (+0,9%), PVT (+0,9%),…
Thanh khoản bùng nổ trong phiên đầu tuần, phản ánh lực cầu gia tăng mạnh mẽ tại vùng giá thấp. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt 912,7 triệu đơn vị, tăng mạnh 27,8% so với phiên gần nhất và tăng 33,7% so với mức bình quân 20 phiên. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE ghi nhận ở mức cao với 31,6 nghìn tỷ đồng.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng