TP.HCM đã triển khai tập trung thực hiện 10 nhóm giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng đến nhiệm vụ năm 2021 của UBND thành phố đưa ra là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Mới đây, UBND TP.HCM có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) về vấn đề xúc tiến, thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại. Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, bất chấp những thách thức của Covid-19, số lượng các doanh nghiệp hội viên của EuroCham tiếp tục tăng lên, đạt 1.083 doanh nghiệp. Cùng với đó là ba khu vực đại diện EuroCham ở Đông Bắc bộ, miền Trung và Đông Nam bộ có nhiều hoạt động đầu tư mới tích cực. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu thể hiện rõ mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, cũng như mong muốn Chính phủ mới của Việt Nam có thể nhanh chóng đưa ra các chính sách kịp thời, giúp cải thiện môi trường thương mại, đầu tư, vì lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng cả hai phía.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Đầu tư và Xúc tiến thương mại TP.HCM (ITPC), cộng đồng doanh nghiệp châu Âu thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của thành phố, trong đó nổi bật là những dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA) đã mở ra các cơ hội tiềm năng về đầu tư, thương mại dành cho các doanh nghiệp của Việt Nam và doanh nghiệp các nước Châu Âu. Đây cũng chính là chất xúc tác vô cùng quan trọng thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng gia tăng đáng kể vào các dự án tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung
Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI vào thành phố là 1,14 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn. Cụ thể, về cấp mới có 100 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 360 triệu USD. Trong đó, vốn đăng ký tập trung chủ yếu ở 2 ngành là thương nghiệp với 46 dự án, đạt 225,1 triệu USD (chiếm 62,5% vốn cấp mới) và ngành kinh doanh bất động sản với 5 dự án, đạt 125,8 triệu USD (chiếm 34,9%). Một số quốc gia có vốn đầu tư cao gồm Nhật Bản 210 triệu USD (chiếm 58,3%), Hà Lan 80,7 triệu USD (chiếm 22,4%) và Singapore là 36,3 triệu USD (chiếm 10,1%)….
Đối với thu hút vốn FDI vào các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM cho biết, riêng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố đã thu hút được 237 triệu USD, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, mặc dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn coi TP.HCM là điểm đến an toàn để đầu tư bởi môi trường thuận lợi ở đây đã giúp cho phần lớn các doanh nghiệp gặt hái được kết quả tăng trưởng tốt. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đánh giá rất cao và tin tưởng việc phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng, nên họ an tâm sản xuất và chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ các nước khác về Việt Nam hoạt động.
Vừa qua, tại Hội nghị đánh giá về môi trường đầu tư của thành phố, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, thành phố đã có những mô hình sáng tạo, đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng các chính sách kiến tạo phát triển trong tương lai. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều điểm nghẽn quan trọng đã được tháo gỡ, nhiều dự án lớn, trọng điểm của thành phố đã tìm được lời giải, hạ tầng giao thông phát triển, môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đến với TP.HCM để xây dựng nhà máy sản xuất, kinh doanh.
“TP.HCM đã triển khai tập trung thực hiện 10 nhóm giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng đến nhiệm vụ năm 2021 của UBND thành phố đưa ra là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. TP.HCM muốn gửi thông điệp đến cộng đồng doanh nghiệp rằng chính quyền thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết các khó khăn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng hành động thực chất, cụ thể. Thành phố cũng mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa lựa chọn TP.HCM như điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam thân thiện cho các doanh nghiệp” – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo Tuyết Thanh/Thời báo Ngân hàng