Thị trường chứng khoán trong nước phiên giao dịch ngày 17/5 chịu áp lực bán ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cả hai chỉ số VN-Index và VN30 đã không thể đi lên mức cao hơn trong 5 phiên vừa qua do thị trường phân hóa, dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 7,66 điểm xuống 1.258,7 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 8,66 điểm còn 1.371,36 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 141 mã tăng/278 mã giảm, ở rổ VN30 có 8 mã tăng, 22 mã giảm và không có mã tham chiếu. Thanh khoản thị trường tiếp tục giữ ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt hơn 20.779 tỷ đồng.
Công ty CP Chứng khoán MBS cho rằng, việc thanh khoản ở mức cao mà chỉ số lại đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày là tín hiệu nên thận trọng. Giao dịch khối ngoại diễn biến kém tích cực khi tiếp tục bán ròng với tổng giá trị hơn 1.070 tỷ đồng.
“Thị trường vẫn trong trạng thái phân kỳ và đi ngang 5 phiên vừa qua, dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu thép, hai nhóm cổ phiếu này cũng là chỉ báo của thị trường. Do vậy, khi một trong hai hoặc cả hai nhóm này suy yếu, thị trường sẽ không còn lực nâng. Diễn biến ở phiên hôm nay cho thấy điều đó khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực bán và nhóm cổ phiếu thép giảm nhiệt. Tuy vậy, thị trường cũng không vì thế mà xấu đi, với mức giảm nhẹ trong phiên hôm nay vẫn chưa ảnh hưởng đến xu hướng tăng của thị trường trong ngắn và trung hạn. Lúc này, thị trường vẫn đang được hỗ trợ từ nền vĩ mô hết sức tích cực nên cơ hội vượt đỉnh tâm lý vẫn còn nguyên vẹn”, đại diện MBS nhận định.
Dưới góc nhìn của mình, đại diện Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, thị trường khởi đầu phiên khá hưng phấn khi sắc xanh lan toả rộng khắp. Tuy nhiên, áp lực bán dần gia tăng từ cuối phiên buổi sáng và trong cả phiên chiều khiến các chỉ số đảo chiều giảm điểm. Hàng loạt các cổ phiếu bluechip như VIC, GVR, VCB, GAS… chìm sâu trong sắc đỏ.
Tác động mạnh nhất đến thị trường là sự điều chỉnh mạnh của của cổ phiếu ngành thực phẩm như MSN, VNM, SAB, SBT, BHN… Ngoài ra, sắc đỏ còn chiếm lĩnh nhiều nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao khác như ngân hàng, xây dựng, dầu khí, hiểm, vận tải… Điều này khiến đà tăng của VHM, NVL, HPG, SSB, FPT, GMD… không đủ để giúp thị trường giữ được sắc xanh cho tới cuối phiên. Thanh khoản tăng mạnh trên sàn HNX đã nâng tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt trên 28.000 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại cũng không thực sự tích cực khi các nhà đầu tư tiếp tục bán ròng khá mạnh. Trên HoSE, khối ngoại bán ròng 24,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.038 tỷ đồng. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các bluechip như VPB (243 tỷ đồng), VIC (148 tỷ đồng), VNM (146 tỷ đồng), HPG (125 tỷ đồng)…
Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 934 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 39,37 tỷ đồng. Còn trên UPCoM, sau 3 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã trở lại mua ròng 6,27 tỷ đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia phân tích cho rằng, chứng khoán châu Á trái chiều trong tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước khi Trung Quốc công bố các số liệu vĩ mô mới. Thị trường Việt Nam dù khởi đầu khá hứng khởi nhưng nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Áp lực bán lan toả trên thị trường, dẫn dầu là nhóm cổ phiếu bluechip, đã tác động không mấy tích cực tới các chỉ số.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index mất mốc 1.260 điểm dưới sự gia tăng mạnh của lực bán. Điều này khiến một số chỉ báo kỹ thuật như RSI, ADX, ROC, Stoch… phát đi những tín hiệu không mấy khả quan cho đà tăng tiếp của chỉ số. Tuy nhiên, tín hiệu MFI và CMF cho thấy dòng tiền trên thị trường vẫn còn khá mạnh.
Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.250-1.255 điểm, sau đó tích lũy quanh mốc 1.260 điểm, trước khi hướng tới các mốc điểm cao hơn.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng