“Đại gia” nhận bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 tại thị trường quốc tế nói gì về quyết định này?

DNTN Hồ Quang Trí vừa ký thoả thuận uỷ thác Tập đoàn PAN – đại diện đăng ký bảo hộ sở hữu thương hiệu gạo ST24 và ST25 ở cùng lúc nhiều thị trường quốc tế. Đây sẽ là một phương án khả quan để thương hiệu gạo “ngon nhất thế giới” được “định vị” trên thị trường quốc tế

Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN, xác nhận đã chính thức nhận ủy quyền từ Anh hùng lao động Hồ Quang Cua – đại diện nhóm tác giả ST25 gạo ngon nhất thế giới 2019 và DNTN Hồ Quang Trí, doanh nghiệp gia đình của ông Hồ Quang Cua, để đứng ra bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 và giống lúa ST24, ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tiếp cận hoặc quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN
Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN.

Theo đó, tại phạm vi các quốc gia và vùng lãnh thổ trên, Tập đoàn PAN nhận ủy quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với Giống cây trồng “ST24”, “ST25”; đăng ký bảo hộ các Nhãn hiệu hàng hóa liên quan như ST24, ST25, đồng thời thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

-Thưa bà, bà có thể giải thích vì sao PAN nhận việc ủy thác này?

Hiện nay, tình trạng nhãn hiệu ST25 bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại Hoa Kỳ, Úc… đang ngày càng nhiều. Tuy chưa có phán quyết chính thức từ chính quyền sở tại nhưng rõ ràng đây là nguy cơ lớn nhãn hiệu gạo nổi tiếng của Việt Nam bị mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Nếu điều này xảy ra, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khi muốn xuất khẩu gạo ST25 sang các thị trường đó. Chưa kể sẽ khó đảm bảo quyền lợi cho tác giả Hồ Quang Cua và DNTN Hồ Quang Trí với giống lúa ST25 và gạo ST25.

Là 1 Tập đoàn nông nghiệp của Việt Nam, chúng tôi mong muốn sẽ cùng hợp tác để giữ gìn thương hiệu nông sản Việt cho người Việt.

Ông Hồ Quang Cua bên sản phẩm gạo ST. (Ảnh: VGP)
Ông Hồ Quang Cua bên sản phẩm gạo ST. (Ảnh: VGP).

Ngoài ra, PAN hiện đã xuất khẩu gạo thương hiệu đến thị trường như Châu Âu, Anh Quốc, Úc…, đồng thời cũng là nhà sản xuất gạo ST24, ST25 lớn trong nước thông qua công ty thành viên Vinaseed. Kế hoạch của chúng tôi là sẽ tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm gạo đóng túi chất lượng cao của Việt Nam ra thế giới trong đó có ST24 và ST25.

Nhìn nhận khách quan thì ST25 là một thương hiệu tốt có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt gia tăng về doanh thu, uy tín ở nước ngoài. Cùng với việc xác lập vị thế thương hiệu gạo, ST25 có thể đóng góp rất đáng kể cho việc dẫn dắt các thương hiệu Việt khác xâm nhập vào thị trường nông sản quốc tế. Không những vậy, ST25 còn có thể phát triển thành tài sản quốc gia dưới dạng nhãn hiệu được chứng nhận quốc tế.

Từ những lý do trên, chúng tôi đồng ý nhận ủy thác đăng ký bảo hộ cho các thương hiệu gạo và giống lúa ST24, ST25 tại các thị trường quốc tế. Anh Hồ Quang Cua là 1 nhà nghiên cứu chuyên tâm, DNTN Hồ Quang Trí lại là 1 doanh nghiệp nhỏ chưa có hoạt động XNK nên cũng khó trong việc tự mình đứng ra bảo hộ tại 1 lúc nhiều thị trường. Trong khi đó Tập đoàn PAN có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nông sản thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế nhiều năm nay, giữa 2 bên lại có mối quan hệ tốt đẹp từ trước, có sự tin tưởng lẫn nhau nên việc thống nhất hợp tác diễn ra rất suôn sẻ và nhanh chóng.

– Bà nhìn nhận như thế nào về thực tế bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam hiện nay?

Việt Nam chúng ta đã trải qua nhiều năm phụ thuộc vào xuất khẩu nông sản thô. Đến khi xây dựng được một số thương hiệu tốt, thì nhiều sản phẩm nổi tiếng trong nước nhưng khi ra nước ngoài lại bị đăng ký mất thương hiệu như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, nước mắm Phú Quốc… mà sau đó hoặc chấp nhận mất, hoặc phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí mới lấy lại được. Đó là những bài học mà doanh nghiệp xuất khẩu như Tập đoàn PAN chúng tôi luôn lấy làm kinh nghiệm cho mình.

Nếu muốn phát triển và tồn tại, các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao khả năng tự bảo vệ mình. Cần ý thức ngay đến việc bảo vệ nhãn hiệu ở các thị trường nước ngoài tiềm năng mà trong tương lai mình có khả năng đặt chân đến. Trong trường hợp có nguy cơ bị mất quyền bảo hộ, cần nhanh chóng hợp tác với những đối tác có tiềm lực tốt và tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục Xúc tiến thương mại, đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam…và đặc biệt là tư vấn pháp lý từ nước sở tại để giải quyết.

Chúng ta cũng cần tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước về xuất khẩu nông sản thương hiệu, như Thái Lan chẳng hạn. Chính phủ và các doanh nghiệp Thái đã làm tốt việc này từ rất lâu và câu chuyện bảo hộ ST25 của chúng ta hiện nay khá giống với câu huyện bảo hộ Hom Mali, loại gạo thơm ngon nhất của Thái Lan nhiều lần thắng giải “Gạo ngon nhất thế giới”

– Sắp tới, Tập đoàn PAN sẽ thực hiện trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25 tại thị trường nước ngoài như thế nào?

Tập đoàn PAN đã chính thức nhận ủy quyền từ Anh hùng lao động Hồ Quang Cua – đại diện nhóm tác giả ST25 gạo ngon nhất thế giới 2019 và DNTN Hồ Quang Trí, doanh nghiệp gia đình của tác giả để đứng ra bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 và giống lúa ST24, ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tiếp cận hoặc quan tâm.

Theo đó, Tập đoàn PAN nhận uỷ quyền đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với Giống cây trồng “ST24”, “ST25”; đăng ký bảo hộ các Nhãn hiệu hàng hóa liên quan như ST24, ST25; đồng thời thực hiện các hành động ngăn chặn, bảo vệ phù hợp đối với các tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu.

Hiện PAN gấp rút thực hiện thủ tục bảo hộ tại các thị trường này. Trong trường hợp tại 1 thị trường được uỷ quyền đã có bên đăng ký bảo hộ, chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để lấy lại quyền bảo hộ nhãn hiệu ST24, ST25, đảm bảo quyền lợi của tác giả và các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu sau này.

– Việc ủy thác đăng ký có kèm theo một thỏa thuận hợp tác kinh doanh nào giữa hai bên liên quan đến các sản phẩm này không? PAN có kế hoạch kinh doanh lâu dài như thế nào đối với sản phẩm này?

Trước mắt DNTN Hồ Quang Trí và tác giả đã ký văn bản uỷ quyền cho Tập đoàn PAN. Dựa vào văn bản uỷ quyền này chúng tôi sẽ có cơ sở khẩn trương đăng ký bảo hộ tại các thị trường đã nêu. Còn nghĩa vụ, lợi ích và vấn đề hợp tác của các bên sẽ được cụ thể hoá trong một thoả thuận riêng, trên cơ sở những nội dung chúng tôi đã trao đổi và đồng thuận cao.

Như đã đề cập, chúng tôi đã có kế hoạch xuất khẩu ST24, ST25 sang các thị trường quốc tế lớn. Việc bảo hộ nhãn hiệu thành công sẽ giúp không chỉ chúng tôi mà các DN xuất khẩu gạo khác của Việt Nam thuận lợi hơn khi mang gạo ST24, ST25 của DN mình sang các thị trường này, trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho các tác giả.

Chúng tôi tin tưởng việc hợp tác giữa Tập đoàn PAN và tác giả Hồ Quang Cua/ DNTN Hồ Quang Trí dưới sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Chúng tôi cũng hy vọng đây sẽ trở thành 1 hình mẫu về hợp tác giữa Tác giả – Doanh nghiệp – Nhà nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường thế giới.

Theo An Nhiên/Chất lượng&cuộc sống