Thủ tướng vừa yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ nghị quyết phiên họp về triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở thực tiễn quản lý, điều hành, khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn.
Việc rà soát này được thực hiện trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được đánh giá là đang gây khó khăn, vướng mắc, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu cần xác định cụ thể nội dung quy định (điều, khoản, văn bản) gây khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung.
Trên cơ sở đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kết quả rà soát, thống kê và đề xuất, kiến nghị gửi về Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2021 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua, thể chế cho công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, đã ban hành 37 văn bản, gồm 08 Nghị định, 19 Nghị quyết, 02 Chỉ thị, 08 Quyết định, thay đổi căn bản quy trình thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công, giấy tờ sang điện tử, phi giấy tờ, thông qua phương án đơn giản hóa trên 1.000 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, tạo tiền đề pháp lý quan trọng để khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vận hành có thể cắt giảm nhiều nhất việc nộp giấy tờ, thông tin của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Trong quá trình làm việc với các bộ, cơ quan với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ, để đôn đốc công việc không thể tránh khỏi việc “đụng” đến “quyền anh, quyền tôi”. Nhưng với tinh thần làm việc khách quan, công tâm, đúng chức trách, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Tổ công tác rất thẳng thắn trong việc nêu rõ những kết quả tích cực và cả những hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương cần điều chỉnh, khắc phục, tập trung xử lý dứt điểm.
Đặc biệt, với 21 cuộc kiểm tra chuyên đề của Tổ công tác về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh đã phát hiện nhiều danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, đang làm rào cản tham gia thị trường của doanh nghiệp; sự co kéo lợi ích, “quyền anh, quyền tôi” ngay chính giữa các đơn vị trong một bộ và giữa các Bộ, cơ quan được thể hiện rất rõ trong các quy định liên quan đến thẩm quyền, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Có đến 1.501/9.926 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều đơn vị trong một bộ hoặc của nhiều bộ, gây phiền hà, nhiêu khê, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Tổ công tác đã quyết liệt kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan phải khắc phục ngay tình trạng này. Đến nay, có 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được các bộ, cơ quan xử lý và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh không cần thiết đã được cắt giảm, giúp tiết kiệm cho người dân, xã hội 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.
Tình trạng “quyền anh, quyền tôi” từng bước đã được chấn chỉnh, khắc phục. Tư duy xây dựng chính sách, pháp luật được đổi mới, cải cách, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch để hướng tới sự thống nhất, đồng bộ, tháo gỡ để phát triển; từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích phát triển, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Theo Bảo An /Vietq.vn