Sắc đỏ bao phủ, VN-Index mất gần 22 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư Việt Nam trở nên tiêu cực, dẫn đến lực bán mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/3. Chỉ sau 15 phút đầu phiên giao dịch, VN-Index mất hơn 14 điểm với sắc đỏ bao trùm toàn thị trường. Lo sợ trong phiên chiều không thể giao dịch cộng với hiện tượng loạn bảng giá khiến nhà đầu tư nháo nhào bán cổ phiếu trong phiên sáng. Thanh khoản giao dịch trong phiên sáng vì thế tăng mạnh và biên độ giảm điểm càng về cuối phiên càng bị nới rộng. Sang đến phiên chiều, thị trường dần hồi phục nhưng hầu như điều này không mang nhiều ý nghĩa do hệ thống đã bắt đầu bị “đơ” từ sau 13h30, tuy nhiên về mặt chỉ số thị trường bắt đầu hồi phục, lệnh mua khá nhỏ giọt, đà giảm chỉ còn về 20 điểm quanh mốc 1160 điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 24/3, VN-Index giảm 21,64 điểm (-1,83%), xuống 1.161,81 điểm với 75 mã tăng, trong khi có tới 408 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 750,5 triệu đơn vị, giá trị 17.649,8 tỷ đồng, tăng 9,8% về khối lượng và tăng 14,5% về giá trị so với phiên ngày 23/3.
Trên HNX, lực cầu bắt đáy cũng giúp chỉ số chính của sàn này hồi phục, hãm đáng kể đà rơi so với phiên sáng, thanh khoản tốt. Chốt phiên giao dịch ngày 24/3, HNX-Index giảm 3,64 điểm (-1,34%), xuống 268,69 điểm với 67 mã tăng, trong khi có tới 147 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 178,4 triệu đơn vị, giá trị 2.796,5 tỷ đồng, tương đương với phiên liền trước.
Khả năng hồi phục của thị trường gặp nhiều lực cản
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (VNCSI), đây là phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp của VN-Index và cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ kỳ nghỉ Tết cho cho đến nay. Cùng với điểm số thì thanh khoản tăng mạnh bất chấp hiện tượng nghẽn lệnh, cho thấy áp lực bán ra trong phiên là khá lớn. Các yếu tố tích cực chỉ xuất hiện vào cuối phiên khi chỉ số hồi phục tốt từ mốc hỗ trợ 1.150 điểm và basis giữa các hợp đồng tương lai với chỉ số cơ sở đã đảo ngược sang mức dương hơn 5 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại. Trong khi tình hình vĩ mô trong nước đang tương đối ổn định thì các yếu tố bên ngoài và việc khối ngoại liên tục bán ra đang gây sức ép không nhỏ lên chỉ số VN-Index.
“Trạng thái giằng co xu hướng đi ngang trong ngắn hạn vẫn giữ nguyên và chỉ khi VN-Index thoát khỏi kênh giá 1.150 – 1.200 điểm thì một xu hướng mới mới được xác nhận. Trước diễn biến hiện tại, chúng tôi đưa ra tiếp tục giữ khuyến nghị tạm thời ngưng mua mới và giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở một mức an toàn, chờ đợi chỉ số vượt khỏi kênh đi ngang 1.150 – 1.200 để xác nhận xu hướng của thị trường và đưa ra quyết định đầu tư mới”, chuyên gia của VNCSI khuyến cáo.
Ông Trần Xuân Bách, chuyên viên Phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, chỉ số đã quay trở lại dao động trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận trên là vùng đỉnh 1185-1200 điểm và cận dưới là vùng hỗ trợ 1150-1155 điểm. Nếu để mất vùng hỗ trợ này, chỉ số có thể bước vào giai đoạn biến động mạnh theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sau khi mở “common gap” trong phiên 24/3, đường giá có khả năng sẽ quay lại lấp “gap” trong một vài phiên kế tiếp. Đường kênh dưới 1150-1155 điểm vẫn đóng vai trò là ngưỡng chặn quan trọng đối với thị trường ở thời điểm hiện tại và chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ lại có phản ứng hồi phục trở lại khi tiếp cận vùng điểm nay.
“Việc chỉ số rơi xuống dưới các đường MA trong phiên 24/3 có thể khiến khả năng hồi phục của thị trường gặp nhiều lực cản hơn trong những phiên tới. Chỉ số có thể kiểm định lại vùng 1150-1155 điểm trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ bật tăng trở lại từ vùng hỗ trợ này, qua đó tiếp tục duy trì xu hướng dao động trong kênh giá đi ngang hiện tại”, ông Trần Xuân Bách nêu ý kiến.
Còn theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc nên khả năng tăng trong phiên tới được đánh giá cao hơn với kháng cự gần nhất quanh 1.180 điểm (MA20).
“Nhà đầu tư trung hạn đã mua vào trước Tết có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3, 10/3, 18/3 khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ MA20 nếu chưa chốt lời trong phiên 18/3 và 22/3 có thể chờ đợi những nhịp thị trường test ngưỡng 1.200 điểm để chốt lời. Những nhà đầu tư mua vào trong phiên 23/3 khi thị trường điều chỉnh về hỗ trợ MA20 và trong phiên 24/3 khi thị trường chỉnh về MA50 tiếp tục quan sát và có thể canh mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 1.155 điểm (MA50)”, chuyên gia của SHS khuyến nghị./.