Sau khi giao dịch khá giằng co trong hầu hết phiên sáng, dòng tiền bắt đầu gia nhập thị trường đã giúp các chỉ số dần lấy lại sắc xanh.
VN-Index kết thúc phiên tăng 8,11 điểm (0,7%) lên 1.170,08 điểm; HNX-Index tăng 0,86% lên 267,1 điểm và UPCoM-Index tăng 0,88% lên 80,24 điểm.
Hai nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn là bất động sản và ngân hàng giao dịch khá tích cực với đà tăng của VIC, VHM, VCB, CTG, ACB, MBB… là động lực thúc đẩy chính của thị trường trong phiên. Thêm vào đó, ưu thế nghiêng về bên mua tại một số nhóm ngành có tính thị trường cao như chứng khoán, bảo hiểm, bán lẻ, thực phẩm… cũng góp phần củng cố cho đà tăng chung của thị trường.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành dầu khí có phiên giao dịch khá trầm lắng khi GAS, PVD, PVS, PVB… đồng loạt điều chỉnh. Cùng với đó là sắc đỏ ở các cổ phiếu bluechips như PLX, HPG, VGC… cũng tạo áp lực lên đà hồi phục của thị trường. Thanh khoản thị trường vẫn được giữ ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt trên 21.000 tỷ đồng.
Về giao dịch khối ngoại, các nhà đầu tư tiếp tục bán ròng nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn 480 tỷ đồng. Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 12,88 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 473,56 tỷ đồng. Lực bán của khối ngoại tập trung vào các Bluechips như VNM (-185,5 tỷ đồng), CTG (-84,9 tỷ đồng), HPG (-80,5 tỷ đồng), BID (-47,3 tỷ đồng)… Trên HNX, khối ngoại cũng bán ròng 6,35 tỷ đồng. Lực bán tập trung vào PVS, APS, THD… Còn trên UPCoM, khối ngoại có phiên mua ròng nhẹ với giá trị 975 triệu đồng.
Nhận định thị trường cơ sở, các nhà phân tích chứng khoán cho biết, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện nhờ kỳ vọng vào gói cứu trợ mới sớm được thông qua và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm đã giúp sắc xanh quay trở lại với các thị trường châu Á. Thị trường Việt Nam cũng có phiên giao dịch khá tích cực dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy vậy, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khiến áp lực của các chỉ số gia tăng.
Về kỹ thuật, đồ thị chỉ số VN-Index kết thúc phiên trên ngưỡng 1.170 điểm cùng sự xuất hiện của hình thái nến tăng với thân nến lệch hẳn về phía trên và bóng nến dài ở phía dưới. Điều này cho thấy lực cầu trên thị trường đang chiếm ưu thế và có thể dẫn dắt thị trường trong các phiên tới. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ có nhịp hồi phục và thử thách ngưỡng 1.180 điểm. Tuy nhiên, tín hiệu xác nhận xu thế tăng trở lại vẫn chưa hình thành. Khả năng chỉ số vượt qua ngưỡng này không được đánh giá cao nếu dòng tiền chưa cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ. Do vậy, nhà đầu tư ưu tiên quan sát thị trường và duy trì danh mục hiện tại, hạn chế mở mua mới.
Liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng phái sinh hồi phục tích cực trong phiên 10/3. Hợp đồng F2103 tăng 20,4 điểm lên 1.178,9 điểm. Điểm basic hợp đồng này chuyển sang trạng thái dương 6,64 điểm, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở nên tích cực hơn.
Trên thị trường cơ sở, chỉ số VN30-Index sau khi giảm về vùng 1.154 điểm đã hồi phục trở lại khi lực cầu được kích hoạt. Dù vậy, thanh khoản vẫn tiếp tục suy giảm so với phiên trước đó và ở dưới trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền trên thị trường vẫn đang thận trọng. Các chuyên gia phân tích chứng khoán lưu ý khả năng áp lực bán sẽ gia tăng khi chỉ số VN30 tiếp tục hồi phục trong vùng 1.170-1.190 điểm. Các tín hiệu kỹ thuật MACD cảnh báo rủi ro điều chỉnh vẫn đang hiện hữu, trong khi chỉ báo RSI, STO đã có tín hiệu tích cực hơn. Do vậy, các vị thế Long mới trong vùng này chỉ nên mở ở vùng cận dưới với biên độ kỳ vọng mỏng.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng