Hiện không ít ngân hàng vẫn đang trả lãi tới 6% cho kỳ hạn 12 tháng. Vì thế tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu của không ít người dân có tiền nhàn rỗi hiện nay.
Đầu tư vào đâu trong năm nay đang là câu hỏi của khá nhiều người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Hiện, nhiều người có khoản tích lũy gần đây đang dồn vốn cho người thân kinh doanh để được trả lãi cao hơn so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng. Đơn cử như anh Nguyễn Thành Trung – một nhân viên văn phòng ở TP.HCM. Trong tháng 1 vừa qua anh đã dồn hơn 800 triệu đồng cho người em ruột kinh doanh các mặt hàng rau củ quả ở Củ Chi để mở rộng khả năng cung ứng sản phẩm cho siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Theo lời anh Trung, lãi suất cho vay mà hai bên chọn là một lãi suất ngân hàng sau đó cộng thêm 3%.
Một số khác lại dồn vốn cho người thân kinh doanh dưới hình thức góp vốn cổ phần, tỷ lệ ăn chia theo quy ước sau khi đã trừ chi phí và khấu hao trong các hoạt động đầu tư của chủ sản xuất kinh doanh hộ gia đình. Thực tế, những hình thức dồn vốn cho người thân đầu tư lâu nay vẫn diễn ra. Đặc biệt khi thị trường khó khăn, nhu cầu sử dụng vốn của người thân lại càng tăng cao do hình thức vay mượn này có chi phí khá thấp, lại không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hình thức cho vay này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi mà đa phần đều là “tín chấp”, trong khi các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ được dự báo là sẽ chịu tác động lớn nhất khi thị trường biến động do sức chống chịu kém.
Một kênh đầu tư khác cũng đang thu hút sự quan tâm của người dân là chứng khoán khi mà thị trường đang tăng trưởng khá mạnh. Theo đó, chỉ số VN-Index đã tăng tới 142,88 điểm, tương đương tăng 14,86% trong năm qua, gần gấp đôi mức tăng 7,7% của năm 2019 là năm mà nền kinh tế tăng trưởng 7,02%. Trong 2 tháng đầu năm khi VN-Index tiếp tục tăng thêm 64,60 điểm lên 1.168,47 điểm (tương đương tăng 5,85%).
Theo giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh là sự tham gia của các nhà đầu tư mới. Quả vậy, theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số tài khoản lưu ký tại VSD tính đến 31/12/2020 là 2,7 triệu tài khoản, tăng 17% so với năm 2019. Trong tháng đầu năm, VSD tiếp tục mở thêm 86.269 tài khoản cho các nhà đầu tư trong nước, tăng tới 36,4% so với tháng trước đó.
Trái với chứng khoán, sau khi tăng tới 25% trong năm 2020, giá vàng lại quay đầu giảm liên tục trong những tháng đầu năm. Ngay trong giai đoạn tăng giá thì kim loại quý này đã không còn thu hút được sự quan tâm của người dân, thế nên khi giá vàng quay đầu giảm, nó lại càng “thất sủng”. Bằng chứng là ngay trong ngày vía Thần tài vừa qua, giá vàng vẫn “bất động” chứ không còn nhảy múa như nhiều năm trước.
Bất động sản cũng khá “im hơi lặng tiếng”. Mặc dù giá bất động sản có tăng cục bộ ở một số nơi, song chủ yếu là do giới đầu cơ làm giá, còn giao dịch thực là rất ít. “Mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều, mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau. Nhiều giao dịch diễn ra tại các dự án bất động sản được xác định là đầu tư ngắn hạn, chờ lên giá. Những giao dịch kiểu này hiện đang chào bán lại trên thị trường khá phổ biến nhưng khó thành công vì giá mua lần đầu cao, khó được thị trường hấp thụ lại”, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản nhận xét.
Một kênh đầu tư khác cũng đang được nhiều người dân quan tâm đó là trái phiếu do lãi suất cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân không nên đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Để bảo vệ các nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP, siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo giới chuyên môn, “lợi nhuận cao luôn song hành với rủi ro lớn”. Các kênh đầu tư như: chứng khoán, bất động sản, vàng… mức độ sinh lời từ giá tăng bao giờ cũng cao hơn gửi tiết kiệm ăn lãi suất. Nhưng mức độ rủi ro của các kênh đầu tư này cũng lớn hơn nhiều khi mà giá cả thường biến động mạnh. Vì thế nó thường đòi hỏi các nhà đầu tư phải có kinh nghiệm và kiến thức.
Trong khi gửi tiết kiệm ngân hàng vừa có độ an toàn cao và cũng mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Theo đó, hiện không ít ngân hàng vẫn đang trả lãi tới 6% cho kỳ hạn 12 tháng. Vì thế tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu của không ít người dân có tiền nhàn rỗi hiện nay.
Theo Trần Duy/Thời báo Ngân hàng