Giá vàng miếng SJC tuần này tăng 350.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, mức tăng này không đủ bù đắp chênh lệch giá mua – bán các doanh nghiệp đưa ra, khiến người mua chịu thua lỗ.
Trái ngược với xu hướng giảm giá của vàng thế giới tuần này, giá vàng miếng trong nước tăng nhẹ so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, mức tăng này không đủ bù đắp chênh lệch giá mua – bán các doanh nghiệp đưa ra khiến người mua vàng từ cuối tuần trước đến nay vẫn chịu thua lỗ.
Cụ thể, trên thị trường thế giới, giá vàng tuần này giảm dưới vùng 1.840-1.850 USD/ounce. Trong phiên giao dịch 29/1 cuối tuần theo giờ Mỹ (đêm qua theo giờ Việt Nam), giá kim loại quý tăng nhẹ trở lại và đóng cửa ở mức 1.848,1 USD/ounce, cao hơn 4,5 USD so với phiên liền trước.
Tuy nhiên, so với cuối tuần trước (24/1), giá vàng hiện tại vẫn thấp hơn gần 8 USD/ounce, tương đương mức giảm 0,4%/tuần. Trên thị trường vàng tương lai, giá hợp đồng giao tháng 3 trên sàn Comex đêm qua cũng tăng 2,8 USD, cố định ở mức 1.842 USD/ounce. Tuy vậy, vùng giá này vẫn thấp hơn cuối tuần trước gần 10 USD.
Tại thị trường trong nước, do không ghi nhận xu hướng bán tháo của nhà đầu tư, giá vàng miếng có xu hướng ổn định hơn thế giới và vẫn tăng trong tuần.
Hiện tại, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng khu vực TP.HCM ở mức 56,25 – 56,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100.000 đồng so với cuối ngày hôm qua và tăng 350.000 đồng so với giá đóng cửa cuối tuần trước.
Tương tự, giá vàng miếng SJC bán ra tại các cửa hàng Hà Nội cuối tuần hôm nay phổ biến ở 56,77 triệu/lượng, cao hơn 350.000 đồng so với cuối tuần trước.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hiện niêm yết giá vàng miếng ở mức 56,2 triệu/lượng (mua) và 56,7 triệu/lượng (bán), cũng tăng 50.000 đồng so với hôm qua và tăng 300.000 đồng so với cuối tuần trước.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vào vàng miếng với giá 56,4 triệu/lượng, tăng 150.000 đồng nhưng bán ra ở mức 56,75 triệu/lượng, giảm 50.000 đồng. Hiện DOJI vẫn là doanh nghiệp niêm yết giá mua vào vàng miếng cao nhất thị trường.
Các chuyên gia phân tích cho rằng môi trường tổng thể hiện nay vẫn tích cực đối với vàng nhưng kim loại quý cần một động lực đủ mạnh để thoát ra khỏi nền thấp (dưới 1.850 USD/ounce) hiện tại.
Trong đó, các trợ lực của vàng hiện nay vẫn bao gồm dòng tiền mới được bơm ra thị trường thông qua các gói cứu trợ, chính sách tiền tệ nới lỏng, tình hình dịch bệnh và rủi ro lạm phát.
Tuy nhiên, nhiều tuần gần đây thị trường không ghi nhận biến động lớn khiến kim quý không thể bứt phá. Trong khi đó, thị trường chứng khoán biến động mạnh thu hút dòng tiền của nhà đầu tư chảy từ vàng sang chứng khoán cũng là nguyên nhân khiến thị trường vàng ảm đạm.
Trong nước, đại diện một doanh nghiệp vàng tại TP.HCM cho biết trong giai đoạn thị trường thế giới đi ngang thì giá trong nước sẽ phụ thuộc vào cung cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, khối lượng giao dịch hàng phiên của vàng đã giảm đi đáng kể, đặc biệt là vàng miếng.
Nhu cầu vàng hiện tại của người dân chủ yếu dừng ở các loại vàng trang sức thay vì vàng miếng đầu tư như đầu năm 2020.
Ngoài ra, do các nhà kinh doanh trong nước nhận định kim loại quý thế giới đang ở vùng thấp và có thể tăng mạnh trong ngắn hạn. Để đề phòng thị trường tăng đột biến, tạo áp lực lên cung cầu, các doanh nghiệp thường có xu hướng giữ giá trong nước cao hơn thế giới vài triệu đồng.
Trường hợp vàng thế giới tăng lại mốc 1.900 USD, tương đương hơn 3% từ giá hiện tại, vàng miếng trong nước chỉ cần điều chỉnh vài trăm nghìn đồng mỗi lượng là có thể cân bằng thị trường.
Hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt vào khoảng 51,8 triệu đồng/lượng, vẫn thấp hơn giá các doanh nghiệp trong nước đưa ra gần 5 triệu đồng.
Theo Quang Thắng/Zingnew.vn