Công bố vùng phủ sóng VinaPhone 5G tại Hà Nội, TP.HCM

Nhà mạng VinaPhone vừa chính thức công bố vùng phủ sóng 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Đây cũng là nhà mạng duy nhất tới thời điểm này được cấp giấy phép thử nghiệm thương mại và sử dụng băng tần 2600-2690MHz và băng tần 3700-3800MHz tại 2 thành phố lớn của cả nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Lễ công bố vùng phủ sóng 5G của nhà mạng VinaPhone. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Theo đó, vùng phủ sóng 5G của VinaPhone tại Hà Nội sẽ bao gồm các tuyến phố khu vực xung quanh Hồ Gươm, Nhà hát Lớn, Nhà thờ lớn, Tràng Tiền, phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…

Tại TP.HCM, vùng phủ sóng của nhà mạng này là tại quận 1 (khu vực vườn hoa Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà, đường Đồng Khởi,…) và quận 3 (đường Paster, Hồ con rùa, Nhà văn hóa Thanh Niên,..)

VNPT sẽ chủ động rà quét các thuê bao đủ điều kiện sử dụng dịch vụ 5G để thực hiện khai báo, mở dịch vụ trên hệ thống. Để có thể sử dụng 5G, người dùng cần thiết bị di động tương thích với mạng 5G và đã đăng ký dịch vụ data của nhà mạng.

Người dùng chỉ cần có sim 4G và không cần phải đổi sim để sử dụng mạng 5G. VinaPhone cũng cho biết, nhà mạng này sẽ miễn phí data 5G để người dùng trải nghiệm từ nay cho đến hết ngày 31/2/2021.

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn VNPT cho biết, mạng di động 5G tại Việt Nam đang mới bước vào giai đoạn đầu phát triển. Tại Việt Nam, 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động, những thay đổi ấn tượng thực chất của các ngành kinh tế và là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan, doanh nghiệp.

Tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm bày tỏ vui mừng khi VNPT công bố vùng phủ sóng và khai trương điểm trải nghiệm VinaPhone 5G. Theo Thứ trưởng Phan Tâm, cả 3 doanh nghiệp viễn thông, CNTT chủ lực của Việt Nam đã đưa nước ta vào top những quốc gia đi đầu về triển khai 5G trên thế giới.

Công nghệ 5G với những đặc trưng cơ bản là tốc độ truy cập siêu cao, độ trễ siêu thấp, độ tin cậy cao, năng lượng tiêu thụ thấp cho phép cung cấp nhiều loại hình dịch vụ mà trước đây chưa từng có, như y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh,…

Công nghệ 5G cùng với những công nghệ số khác như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối,… sẽ cho phép các tổ chức, doanh nghiêp của Việt Nam cùng tham gia vào những hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Mạng 5G có ưu điểm hơn hẳn mạng 4G nhờ khả năng kết nối vạn vật với tốc độ cao, độ trễ thấp. Tuy nhiên, mạng 5G lại sử dụng các băng tần cao, có vùng phủ sóng giới hạn, vậy nên số lượng trạm phát sóng 5G sẽ lớn hơn rất nhiều.

Vì vậy, Thứ trưởng TT&TT mong muốn, ngay từ bây giờ, VNPT phải nghiên cứu và tìm giải pháp sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với các doanh nghiệp viễn thông và các ngành khác như điện, giao thông,… để tối ưu hóa chi phí, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Bộ TT&TT cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ của UBND TP. Hà Nội và TP.HCM để tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp viễn thông được sử dụng hiệu quả toàn bộ hạ tầng kỹ thuật có liên quan để triển khai 5G nhanh chóng, hiệu quả.

Tại Hà Nội và TP.HCM đã có rất nhiều khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung và nhiều đề án phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, đô thị sáng tạo. Do đó, VNPT cần nhanh chóng lên kế hoạch triển khai mạng 5G để đáp ứng những dự án công nghệ cao của 2 thành phố.

Theo Hiền Minh/baochinhphu.vn