Categories Bất động sản

Giải quyết triệt để tranh chấp ở chung cư

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay xung quanh vấn đề cư trú tại các chung cư ở TP.HCM đã phát sinh tranh chấp, khiếu nại trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư rất nhiều.

Cụ thể, theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, các tranh chấp xung quanh vấn đề quyền sở hữu, quyền sử dụng chung, riêng tại chung cư; bàn giao kinh phí bảo trì; bàn giao hồ sơ nhà chung cư; quản lý vận hành tại chung cư; hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư; chủ đầu tư xây dựng không phép; chủ đầu tư xây dựng không đúng theo giấy phép được phê duyệt; chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục tại chung cư; ban quản trị tự ý chuyển đổi công năng phần diện tích sở hữu chung…

 

giai quyet triet de tranh chap o chung cu
Ảnh minh họa

Về nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng một số chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu Ban quản trị, không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho Ban quản trị, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, trình, dẫn đến các Ban quản trị gửi đơn khiếu kiện, khiếu nại nhiều nơi. Việc tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư vẫn diễn biến phức tạp, một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao căn hộ đưa cư dân vào ở.

Bên cạnh đó, một số chung cư còn chủ quan, né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị, khắc phục về an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy vì sợ tốn kém kinh phí hoặc do thiếu nguồn kinh phí thực hiện. Việc chế tài xử lý đối với chủ đầu tư không chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu, mức xử phạt vi phạm hành chính còn thấp chưa đủ sức răn đe, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014, cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị theo hướng các bên khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo pháp luật về tố tụng dân sự. Về lâu dài, kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do Ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu nhà chung cư trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ % do Hội nghị nhà chung cư quyết định. Đối với các chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước mà chưa được cải tạo, xây dựng lại; chung cư cũ thấp tầng, số căn hộ ít, không có thang máy thì không cần bầu Ban quản trị nhà chung cư. Kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 các biện pháp xử lý đối với các hành vi như đã nêu ở trên.

Về phía cơ quan quản lý địa phương, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sở sẽ tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền hoặc có ý kiến đối với các nội dung phản ánh, tranh chấp trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố thuộc chức năng chuyên môn. Sở sẽ giải quyết các tranh chấp, phản ánh về quyền sở hữu, quyền sử dụng chung – riêng trong nhà chung cư liên quan đến hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng thực hiện; Tranh chấp, phản ánh về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư; Tranh chấp, phản ánh về việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng