Liên quan Nghị định số 68/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết hiện đang khiến nhiều doanh nghiệp “than vướng”.
Theo quan điểm của ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, lần sửa đổi này chưa thực sự đủ để gỡ khó cho doanh nghiệp. Nghị định vẫn còn nhiều quy định bất cập, chưa phù hợp với Nghị quyết của Đảng và một số luật có liên quan.
Cụ thể, ông Phan Trung Lý cho rằng, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 chưa phù hợp hoàn toàn với tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế tư nhân
Nghị quyết 10- NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khuyến khích hình thành “các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu” đồng thời cương quyết “Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân…”.
Do vậy, để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu sẽ không tránh khỏi các giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn và sẽ không tránh khỏi việc công ty mẹ trong tập đoàn hoặc một/một số công ty thành viên trong tập đoàn sẽ là đơn vị huy động vốn vay chung cho các thành viên khác trong tập đoàn hoặc việc hỗ trợ vốn qua lại giữa các thành viên trong tập đoàn. Việc hạn chế tổng chi phí lãi vay trong kỳ mà không tính đến các yếu tố thị trường hoặc yếu tố độc lập, hay liên kết trong tổng chi phí lãi vay như nêu tại khoản 3, điều 8 Nghị định 20 là đi ngược lại Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Phan Trung Lý cho rằng, qui định này cũng chưa phù hợp với quy định tại Điều 9 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại Điều 9 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện được nêu tại điều này của Luật này. Tuy nhiên, trong khi đó khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 chỉ cho phép người nộp thuế được trừ đối với tổng chi phí lãi vay trong kỳ không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ (EBIDA) của người nộp thuế. Phần tổng chi phí lãi vay trong kỳ vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ cũng không phải là “các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế” như nêu tại khoản 2 Điều 9 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng theo phân tích của ông Phan Trung Lý, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 chưa phù hợp với khoản 2 và khoản 4 Điều 5 của Luật Đầu tư.
Cụ thể, việc hạn chế tổng chi phí lãi vay trong kỳ không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế làm hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn vốn được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ như được nêu rõ tại khoản 2 Điều 5 của Luật Đầu tư năm 2014.
Bên cạnh đó, Nghị định 20 chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nghĩa là các doanh nghiệp không có giao dịch liên kết sẽ không phải áp dụng khoản 3 Điều 8 về hạn chế tổng chi phí lãi vay trong kỳ. Như vậy, Nghị định 20 đã tạo ra một vị thế cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp không có giao dịch liên kết. Do đó, khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 là chưa phù hợp với khoản 5 của Luật Đầu tư quy định Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Với những bất cập như vậy, ông Lý cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 20 một cách triệt để, để quy định mang tính khả thi và thực sự đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp./.