Cảnh báo lừa tiền bằng thủ đoạn bán hàng giá rẻ

Theo bà T, bà không biết mình có bị bùa ngải gì không mà cứ răm rắp nghe theo lời vị “bác sĩ” nọ. Giờ tỉnh người ngồi thừ ra không hiểu chuyện gì vừa xảy ra với mình.

Bà T (60 tuổi, làm giúp việc cho 1 gia đình tại quận Gò Vấp, TP.HCM) thẫn thờ, buồn rầu khi nhớ lại câu chuyện bị lừa vào mấy hôm trước. Sáng đó, như thường lệ, bà T đi chợ mua thức ăn tại khu chợ quen thuộc.

Lát sau, bà tình cờ thấy một vị tự xưng “giáo sư bác sĩ” đang giới thiệu với đám đông về một loại “thần dược” chữa được bệnh đau mắt. Cũng đang có bệnh trong người và thấy có vài ba người khác xúm vô mua, khen ngợi hết lời nên bà đã lân la đến gần tìm hiểu. Khi thấy những người kia đã không ngần ngại rút ra cả cọc tiền để mua thuốc mà miệng còn rối rít cám ơn vị “giáo sư bác sĩ” từ thiện cứu người bán thuốc giá rẻ, bà T đã đồng ý mua thuốc. Tuy nhiên, bà T không có mang theo nhiều tiền trong người. Vị “bác sĩ” kia thấy thế mới gợi ý theo bà về nhà lấy tiền mua thuốc. Thấy vị “bác sĩ” tốt bụng nên bà T mới đồng ý dẫn về nhà.

Khi về đến nhà, vị “bác sĩ” đã ngồi chờ trong khi bà T đi thẳng một mạch lên phòng riêng để lấy 20 triệu đồng xuống trả tền mua hộp thuốc. Đây là toàn bộ số tiền bà dành dụm được sau 3 tháng làm việc mà không dám tiêu xài gì.

Theo bà T, bà làm mọi việc trong vô thức. Thậm chí bà còn chưa hề mở hộp thuốc ra để xem có gì bên trong. Đến khi vị “bác sĩ” kia rời đi, bà mới sực tỉnh, vội vã mở hộp thuốc ra thì mới tá hỏa, khi thấy chỉ có mấy hạt hạnh nhân nổi mốc ở bên trong. Bà vội vã gọi vào số điện thoại ghi trên hộp thì chỉ nghe ò í e. Vị “bác sĩ” giờ như bóng chim tăm cá không biết nơi đâu mà tìm.

Bên trong hộp thuốc toàn là những hạt hạnh nhân đã nổi mốc.
Bên trong hộp thuốc toàn là những hạt hạnh nhân đã nổi mốc

Khác với trường hợp trên, chị M.T (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chị lại bị “dính bẫy” khi đang ở nhà. Trước đó trong lúc chị đang ở nhà thì có 1 người đến và tự xưng là bác sĩ giới thiệu về loại máy mát xa vai gáy với giá khuyến mãi là 18 triệu đồng. Chị B.T cũng không hiểu vì sao mình đã đồng ý chi tiền mua cái máy với giá đó mà không tìm hiểu thêm thông tin gì. Chị chỉ nhớ, “bác sĩ” nói huyên thuyên về chức năng và công dụng của máy rồi báo giá mấy chục triệu. Tuy nhiên đang đợt khuyến mãi nên chị sẽ được mua với giá ưu đãi như trên. Đến khi “bác sĩ” đi rồi, chị mới sực nhớ, vội lên mạng tìm kiếm thông tin thì hỡi ôi cái máy mát xa đó được rao bán đầy trên mạng với giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng.

Thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội thường có các bài viết cảnh báo về thủ đoạn bán hàng giá rẻ. Nạn nhân của các vụ này thường là các bà nội trợ, người giúp việc… Các đối tượng thường đi thành nhóm vài người tụ tập tại một khu chợ, nơi đông người qua lại hoặc tìm đến những ngôi nhà ít người… Một người trong nhóm sẽ đóng vai bác sĩ, các đối tượng còn lại trong vai khách hàng. Họ giả vờ mua bán mời chào rất rôm rả tạo sự chú ý với những người xung quanh. Đặc biệt, các “khách hàng” đóng giả kia sẽ khen ngợi sản phẩm hết lời và luôn miệng thúc giục người khác mua kẻo hết. Họ khiến nạn nhân không có thời gian kịp suy nghĩ đã vội mua hàng. Đến khi sực tỉnh thì các đối tượng đã cao chạy xa bay. Bà con cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo để không bị kẻ xấu lừa tiền. Thậm chí khi mua nhầm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe dỏm có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính mình và người thân.

Theo Thuận Lê/Chất lượng&cuộc sống